logo_vf2
horeca_business_school

Thị trường tiêu dùng và chuyện 'chiếc lò xo bị dồn nén lâu ngày'

Nhận định về xu hướng mua sắm online đang ngày càng chiếm ưu thế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Lương nói rằng, mua sắm online đang ngày càng trở thành 1 phần không thể thiếu trong thói quen tiêu dùng. "Nhu cầu tiêu dùng trực tuyến như chiếc lò xo bị dồn nén lâu ngày trong thời kỳ hậu Covid-19, nay được dịp bung ra, tạo nên tăng trưởng 78,69%, một con số cực kỳ ấn tượng trong phát triển kinh tế", vị chuyên gia ví von.

Mua sắm online chiếm thế 'thượng phong'

Thực tế của bức tranh trái chiều về tiêu dùng đã cho thấy những hướng đi của nền kinh tế giữa khó khăn, đồng thời giúp các chuyên gia đưa ra dự báo về tình hình quý II sắp tới.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy quý I/2024 tăng trưởng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ dù đã có yếu tố kích cầu từ dịp Tết Nguyên đán. Nếu loại trừ yếu tố về giá, con số này chỉ tăng 5,1% - bằng một nửa mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng rất thấp so với mức tăng bình quân 11,5%/năm trong giai đoạn trước dịch COVID-19 (2015 - 2019).

Thông tin từ một số chuỗi bán lẻ, tiêu dùng lớn cho thấy giá trị giỏ hàng trong mỗi lần mua sắm của khách hàng đang giảm đi thấy rõ, sức mua có xu hướng chậm lại, đặc biệt là ở nhóm những mặt hàng không thiết yếu như giày dép, quần áo, bánh kẹo, hoa quả,...

Dù vậy, đáng chú ý, khác với sự ảm đạm của thị trường tiêu dùng truyền thống, bức tranh tiêu dùng trên “chợ mạng” lại cho thấy những gam màu tươi sáng hoàn toàn trái ngược.

-7535-1713843153.jpg

Bán lẻ ảm đạm, thương mại điện tử tăng trưởng đột phá trong quý I.

Báo cáo mới đây của nền tảng phân tích dữ liệu TMĐT Metric, tổng doanh số bán hàng trên 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo trong quý I đạt 71.200 tỷ đồng, tăng 78,69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau tháng 1 và 2, khi tâm lý mua sắm bị ảnh hưởng do kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán gây gián đoạn quá trình vận chuyển, giao hàng. Tháng 3 ghi nhận doanh số bán hàng trên 5 sàn TMĐT có xu hướng bùng nổ khi đạt gần 28.300 tỷ đồng.

Một số liệu nữa cũng rất đáng lưu tâm, đó là chỉ trong toàn quý I, Metric ghi nhận 510.500 gian hàng phát sinh đơn đặt hàng, tăng 9%; 13,1 triệu sản phẩm có lượt bán, tăng 10% và 766,7 triệu đơn vị sản phẩm được giao thành công tăng 83%.

Hà Nội và TP.HCM tiếp tục là 2 địa phương dẫn đầu doanh số và sản lượng bán hàng trên TMĐT dựa trên địa điểm đặt kho, chiếm tổng cộng trên 70% toàn thị trường. Top 10 khu vực có doanh số cao nhất tập trung ở các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp hoặc cửa khẩu lớn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là các địa phương ngoài top 10 cũng có đều sự tăng trưởng tốt, trên mức 50%.

Tình hình quý II sẽ như thế nào?

Theo các doanh nghiệp, chuyên gia khó khăn của ngành bán lẻ truyền thống có thể kéo dài ít nhất đến giữa năm nay, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt nhiều rủi ro, thách thức do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, lạm phát và lãi suất toàn cầu còn cao, tác động đến sức cầu, làm chậm đà phục hồi của các hoạt động kinh tế trong đó có tiêu dùng.

Triển vọng của thị trường trong quý II vẫn chưa mấy tích cực. Sự phục hồi của tiêu dùng truyền thống cần nhiều thời gian hơn và nhiều khả năng phải sang đến nửa cuối năm 2024 mới quay trở lại bình thường.

Về phía TMĐT, những số liệu thống kê lại đang cho thấy thực tế có thể trở thành nguồn động lực tăng trưởng mới, góp phần thúc đẩy và duy trì đà tăng trưởng của kinh tế thương mại, tiêu dùng trong quý II, giữa lúc tình hình bán lẻ hàng hóa đang khá ảm đạm.

Theo dự báo của Metric, trong Quý 2/2024, tổng doanh số 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay sẽ đạt mức 84.870 tỷ đồng, với 882,12 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra, tăng lần lượt 19,2% và 13,57% so với Quý 1/2024. Đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được khi thị trường đã có bước khởi đầu vượt xa kỳ vọng.

Không chỉ vậy, một số yếu tố cũng cho thấy sẽ thúc đẩy cho tiêu dùng của TMĐT tiếp tục tăng trưởng, có thể kể đến như nhu cầu của người tiêu dùng, xu hướng xã hội, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước... Và nổi bật trong đó là sự chênh lệch, phát triển không đồng đều giữa các địa phương đã được rút ngắn. Trong quý I các địa phương đều có mức tăng trưởng TMĐT từ 50% trở lên.

Tận dụng đà tăng, sắp tới các Bộ, ngành, Chính phủ đang đặt trọng tâm trong thời gian tới để thúc đẩy sự phát triển bền vững và lan tỏa động lực tiêu dùng mới này trên cả nước.

Bà Lê Hoàng Oanh - cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: "Chính phủ đang giao cục triển khai đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mục tiêu là liên kết, kết nối các sàn thương mại điện tử địa phương với nhau và với các sàn thương mại điện tử phổ biến tạo nên một môi trường kết nối giao thương đa chiều hiệu quả, rút ngắn khoảng cách vùng miền"

Nguồn: vnbusiness.vn

CONTACT US

VIET FRANCHISE

A member of FNB DIRECTOR - HoReCa Management

 

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.,
Hochiminh City, Vietnam

 

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US

Viet Franchise @Copyright 2023