Thời gian qua, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành 534 cuộc thanh kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan kết hợp với các lĩnh vực văn hoá theo thẩm quyền như điện ảnh, nghệ thuật, biểu diễn (cuộc thi người đẹp), nhiếp ảnh… xử phạt vi phạm hành chính 447 tổ chức, 3 cá nhân. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 131 là 12,8 tỷ đồng.
Hành vi vi phạm chủ yếu bị xử phạt là biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố vào mục đích thương mại trong nhà hàng, cửa hàng siêu thị, cơ sở kinh doanh karaoke mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định…
Tại TPHCM, số lượng vụ việc bị xử lý vi phạm hành chính theo hành vi sử dụng bản ghi âm ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chiếm 98,4% tổng số vụ việc bị xử lý, trong đó xử phạt tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông… là 28,3%.
Có thể thấy, sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã góp phần quan trọng giúp cơ quan thực thi pháp luật trong công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Tuy nhiên sau 10 năm, Nghị định số 131 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự phù hợp và thống nhất trong hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Theo đó, nhiều nội dung quy định về quyền tác giả, quyền liên quan được sửa đổi, bổ sung mới như quy định chi tiết và phân định rõ các quyền tác giả, quyền liên quan; sửa đổi, bổ sung về giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan, trách nhiệm của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan; bổ sung quy định về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian… Tương ứng với các quy định sửa đổi, bổ sung về nội dung, cần có những quy định sửa đổi, bổ sung về chế tài xử phạt để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi.
Mặt khác, thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan cũng cho thấy một số khó khăn, vướng mắc cần phải được nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật để giải quyết.
Cụ thể, một số hành vi vi phạm gây thiệt hại lớn cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan nhưng mức phạt tiền và hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả chưa đủ mạnh để răn đe. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm chưa phù hợp, chưa tương xứng với mức độ gây thiệt hại của hành vi vì chưa căn cứ vào mức độ gây thiệt hại hay giá trị, số lượng hàng hóa xâm phạm. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng ngày càng phức tạp. Hiện nay chưa có quy định quy trình yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính từ chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan dẫn đến tổ chức, cá nhân còn lúng túng trong áp dụng biện pháp hành chính theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ…
Việc ban hành Nghị định mới về quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan sẽ khắc phục các bất cập nói trên.
Nguồn: Thanh Hải / sohuutritue.net.vn
A member of FNB DIRECTOR - HoReCa Management
83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.,
Hochiminh City, Vietnam
Hotline: +84 903 132 508
Email: hello@fnbdirector.com
Viet Franchise @Copyright 2023