logo_vf2
horeca_business_school

Từ chuyện người Hàn Quốc muốn nhượng quyền bánh mì Việt cho người Việt : Cần có tư duy xây dựng thương hiệu

Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm về quản trị thương hiệu, bán lẻ và nhượng quyền (franchise) tại châu Á, Trung đông, châu Phi, và Đông Âu, kể về lần làm giám khảo tại một cuộc thi khởi nghiệp, lựa chọn startup Hàn Quốc nổi bật để hỗ trợ mở rộng thị trường ở Việt Nam.

Trong lần đó, có một startup Hàn Quốc mang đến mô hình nhượng quyền bánh mì Việt Nam. Mô hình này đã có hơn 10 chi nhánh, ki ốt ở Hàn Quốc. Họ tham gia cuộc thi với mong muốn được hỗ trợ để nhượng quyền ngược lại cho người Việt Nam.

Khi được hỏi về lý do, vị founder Hàn Quốc trả lời rằng bánh mì Việt Nam là món ăn đường phố rất ngon, cực kì tiềm năng để phát triển ra quốc tế. Nhưng khi vị này đến Việt Nam chỉ toàn thấy những xe bánh mì ngoài lề đường và những người tự kinh doanh, không thấy phát triển thành chuỗi nào có tiềm năng, đảm bảo an toàn thực phẩm, có mô hình bài bản, chuyên nghiệp để tăng trưởng. 

Vị founder thấy đây là cơ hội tôi không thể bỏ qua, vì vậy ông đã học cách làm bánh mì và khi quay trở lại Hàn Quốc, tạo thành chuỗi bánh mì. Sau khi thành công ở Hàn Quốc, họ muốn nhượng quyền nó trên khắp thế giới. Một trong những mục tiêu startup này muốn làm được là mang bánh mì trở về chính quê hương nó. “Khi làm được điều đó, tôi chứng minh được mình thành công để xây dựng chuỗi thương hiệu bánh mì bài bản, có thể nhượng quyền trên toàn thế giới”, vị founder nói.

Khi được hỏi tại sao họ lại tự tin nhượng quyền thương hiệu bánh mì Việt cho người Việt, founder người Hàn Quốc nói rằng họ có khả năng phát triển nó thành mô hình bài bản, có khả năng marketing cho thương hiệu, sản phẩm này. Đặc biệt, họ có một đội ngũ để R&D (nghiên cứu và phát triển), tạo ra những sản phẩm mới dựa trên sản phẩm bánh mì truyền thống, với những loại nhân kết hợp giữa văn hóa ẩm thực của hai nước. Điều này có thể làm cho thực đơn bánh mì đa dạng và mới mẻ hơn. 

“Các bạn nghĩ đi, người Hàn Quốc đi nhượng quyền bánh mì Việt Nam cho người Việt Nam. Tại sao người Việt Nam ăn bánh mì, làm bánh mì bao nhiêu đời nay mà không thể làm được cho nó thành bài bản, mô hình, chuyên nghiệp để nhượng quyền ở Việt Nam và trên thế giới, mà phải đợi một ông Hàn Quốc đi làm chuyện này. Ngày hôm đó Phi Vân làm giám khảo và cả buổi rất lăn tăn, trăn trở cho nền ẩm thực Việt Nam”, bà Phi Vân kể lại câu chuyện trên kênh Tiktok Franchise by Nguyen Phi Van mới đây.

Ẩm thực Việt Nam rất phong phú nhưng vẫn còn hiếm hoi mô hình kinh doanh bài bản. Ảnh: T.L.

Ẩm thực Việt Nam rất phong phú nhưng vẫn còn hiếm hoi mô hình kinh doanh bài bản. Ảnh: T.L.

Tiếp đó, trong một lần là diễn giả tại hội nghị về nhượng quyền ở Seoul (Hàn Quốc), bà Vân ghé thăm triển lãm nhượng quyền để tìm hiểu về các mô hình franchise ở đất nước này. Tại đây có một mô hình mang tên “Nhà hàng Hàn Quốc” nhưng bán phở, bánh xèo và bánh mì Việt Nam. Họ ghi chính trên bảng hiệu bằng tiếng Việt và họ xây dựng nó thành mô hình để nhượng quyền tại Hàn Quốc và ra thế giới.

“Một lần nữa như có ai bóp nghẹt trái tim mình. Bởi những món ẩm thực truyền thống rất quen thuộc hàng ngày của mình đang có quốc gia khác, doanh nhân Hàn Quốc xây dựng bài bản để nhượng quyền. Tại sao không phải là Việt Nam mà phải là Hàn Quốc. Có phải vì ở đây chúng ta chỉ nhìn vào cái kinh doanh hàng ngày mà không nhìn thấy tương lai, tiềm năng, chúng ta không thừa nhận là mình chưa chuyên nghiệp nên không thể làm được như họ”, bà Vân trăn trở.

Thực tế, chưa nói đến việc các chuỗi trên của Hàn Quốc liệu có thành công ở Việt Nam hay không vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng họ đã hơn chúng ta một bước đó là tư duy. Người Việt hiểu sâu sắc về ẩm thực nước nhà chưa vẫn chỉ xoay quanh tư duy làm việc manh mún, chưa có tư duy để làm lớn hơn, chưa có tư duy xây dựng thương hiệu, phát triển thành chuỗi và có thể xuất khẩu ra thế giới. Chỉ như vậy đã thua họ một bước.

Mặc dù đã có một số thương hiệu F&B Việt Nam phát triển thành chuỗi ra quốc tế, nhưng số lượng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đi sớm nhất và đông đảo nhất vẫn là những chuỗi cà phê: Trung Nguyên, Cộng Cà Phê, Phúc Long, King Coffee, Highlands Coffee, E-Coffee, Cà phê Giảng... Một số thương hiệu phở, bánh mì cũng đang mở rộng hoạt động franchaise quốc tế như Phở’S, Phở Thìn 13 Lò Đúc, Bánh mì Xin chào, Bánh mì Hội An...

Nhưng ẩm thực Việt Nam còn nhiều tiềm năng hơn thế, thậm chí nếu phát triển bài bản thì tiềm năng có thể sánh ngang với những chuỗi KFC, McDonald's hay Pizza Hut. Điều quan trọng, các doanh nhân Việt Nam vẫn cần nâng cao khả năng quản trị và điều hành, chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cũng như học cách nghiên cứu thị trường và marketing bài bản. 

CONTACT US

VIET FRANCHISE

A member of FNB DIRECTOR - HoReCa Management

 

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.,
Hochiminh City, Vietnam

 

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US

Viet Franchise @Copyright 2023