logo_vf2
horeca_business_school

Chiến lược nào cho nhượng quyền trong thời kì 'VUCA'

Dù có cơ hội lớn từ nhiều người mua nhượng quyền nhưng tâm lý người mua vẫn sợ rủi ro. Điều này đòi hỏi các bên bán nhượng quyền cũng cần có sự thay đổi về mô hình.

Tại chương trình “Kỷ nguyên mới và sôi động trong ngành nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam”, các chuyên gia cho rằng cần có sự thay đổi về mô hình nhượng quyền trong thời kì VUCA - khái niệm chỉ trạng thái biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ.

Tâm lý sợ rủi ro từ người mua nhượng quyền

Năm 2008, cuộc khủng hoảng về tài chính trên toàn thế giới đã tạo ra xu hướng nhiều nhân sự nghỉ việc và chuyển hướng mua nhượng quyền để tự bản thân làm chủ. Đến năm 2009, làn sóng này càng lớn hơn, tạo nên lịch sử của ngành nhượng quyền. Sau đại dịch Covid-19, lịch sử này được lặp lại.

Nguyen phi van

Bà Nguyễn Phi Vân -  chuyên gia nhượng quyền, Chủ tịch Retail & Franchise Asia. 

 

Nói về chuyển biến mới nhất của ngành nhượng quyền trên thế giới, theo bà Nguyễn Phi Vân – chuyên gia nhượng quyền, Chủ tịch Retail & Franchise Asia, sau dịch Covid-19 nhiều công ty lớn sa thải nhân viên, môi trường làm việc thay đổi, sự chuyển đổi về mô hình kinh doanh, chuyển đổi số của doanh nghiệp,... đã tạo ra những thử thách mới cho nhân sự. Điều này thúc đẩy con người muốn làm chủ, nhiều người nghỉ việc và bắt đầu mua nhượng quyền. 

“Hiện đa số hồ sơ của những người mua nhượng quyền là những người đã từng hoặc đang làm trong các tập đoàn lớn, điều này mở ra cơ hội lớn trong ngành nhượng quyền”, bà Vân nói. 

Bà Vân cho rằng hiện những mô hình nhượng quyền có nền tảng tương tác khách hàng sẽ có lợi thế. Theo đó, các thương hiệu cần xây dựng một nền tảng cụ thể, đặc biệt là trên điện thoại di động để có thể giúp người tiêu dùng và người mua nhượng quyền tương tác lập tức mà không cần phải gọi điện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhượng quyền cần đưa ra những kênh về thanh toán không cần dùng tiền mặt. 

Việc tạo ra mô hình nhượng quyền mới khi đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài cũng là một yếu tố quan trọng. Bà Nguyễn Phi Vân đưa ra ví dụ khi đem thương hiệu phở của Việt Nam ra nước ngoài, cần phải thay đổi mô hình để phù hợp với từng thị trường, điều này là sự bắt buộc.

Doanh nghiệp nhượng quyền cần đặt ra câu hỏi, làm cách nào để tổng chi phí đầu tư cho một chi nhánh giảm, lúc này đòi hỏi sự thay đổi về cấu trúc nhân sự, máy móc, nguyên vật liệu… Dù có cơ hội lớn từ nhiều người đi mua nhượng quyền, tuy nhiên tâm lý người mua vẫn sợ rủi ro, vì tiền trong tài khoản là tiền tích góp, khách hàng đa số chọn mô hình ít rủi ro.

Sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp đưa ra các gói sản phẩm nhỏ lại, dễ mua hơn, đây là cách mà các công ty nhượng quyền trên thế giới đang làm. “Phải bắt đầu từ sản phẩm gốc, dễ mua, các thương hiệu phải là cách nào để đưa khách hàng vào cửa hàng rồi mới có cơ hội bán hàng của mình”, bà Vân nói.

Ngoài ra, hành vi của của người tiêu dùng đòi hỏi phải có sự trải nghiệm, các vấn đề môi trường, sự phát triển bền vững là những yếu tố mà khách hàng quan tâm.

Xuất khẩu thương hiệu phải dựa vào tính bản địa

Trong thời kì “VUCA”, nhiều doanh nghiệp nhượng quyền nỗ lực thay đổi về mô hình và kì vọng xuất khẩu thương hiệu ra thị trường nước ngoài. 

VUCA là viết tắt của bốn đặc tính trong thế giới hiện đại: Volatility (Biến động) – Uncertainty (Không chắc chắn) – Complexity (Phức tạp) – Ambiguity (Mơ hồ). Thuật ngữ "VUCA" được sử dụng để chỉ một thế giới khó nắm bắt và khó đối phó vì có quá nhiều thay đổi trong khoảng thời gian ngắn.

Theo ông Lý Tấn Tài – CEO thương hiệu trà sữa Phúc tea, hiện đơn vị này đã nhượng quyền được 142 cửa hàng trên toàn quốc và đang nỗ lực đưa sản phẩm ra thị trường thế giới như Malaysia, Philippines. 

Chia sẻ tại chương trình, ông Tài cho biết, hiện Phúc tea bị ảnh hưởng nhiều nhất là về giá nguồn cung nguyên vật liệu. Nếu như trước đây nguyên vật liệu cam kết giá tốt trong thời gian dài thì hiện tại họ chỉ cam kết 1-3 tháng, giá sẽ có sự thay đổi nhiều về nguồn cung ứng.

Bên cạnh đó, ông Tài cũng cho biết, tâm lí và hành vi tiêu dùng của khách hàng có sự thay đổi phức tạp hơn. “Dù khảo sát ở nhiều địa phương, khách hàng quan tâm đến sức khỏe hơn, khi đưa ra sản phẩm tốt cho sức khỏe thì họ vẫn lựa chọn sản phẩm có nhiều topping hơn. Sự dự đoán những điều trong tương lai không xa được, mỗi lần nghiên cứu xong đưa ra quyết định thì điều đó đã cũ”, ông Tài nói. 

Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Phước Phúc, CEO Heramo - thương hiệu giặt ủi, sau đại dịch, con người trở nên nhạy cảm hơn, đòi hỏi nhiều yêu cầu hơn, tâm lý khách hàng mong manh hơn. Đơn vị này cũng ghi nhận, sau hơn 2 tháng đã khai trương được 8 cửa hàng. 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhượng quyền cũng có sự thay đổi về việc lựa chọn đối tác nhượng quyền phù hợp với văn hóa công ty. Ông Tấn Tài - CEO thương hiệu trà sữa Phúc tea - cho biết trong 3 năm trở lại đây, việc lựa chọn đối tác nhượng quyền đòi hỏi sự phù hợp về giá trị văn hóa, kinh doanh,… Ngoài câu chuyện liên quan đến lợi nhuận, họ có thể sẵn sàng làm các chương trình tình nguyện. Đồng thời, Phuc tea cũng có sự thay đổi đa dạng về các gói nhượng quyền.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Phi Vân cũng lưu ý để đưa mô hình nhượng quyền của Việt Nam ra thế giới, sản phẩm và dịch vụ phải mang tính bản địa cao như thực phẩm bản địa, thức uống bản địa,... Ngoài việc đưa mô hình ra nước ngoài cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải xuất khẩu lao động theo. Thứ ba, những mô hình nào có tính công nghệ lõi, vận hành ít sẽ đáp ứng được thị trường nước ngoài.

Võ Liên

Nguồn: sohuutritue.net.vn

CONTACT US

VIET FRANCHISE

A member of FNB DIRECTOR - HoReCa Management

 

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.,
Hochiminh City, Vietnam

 

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US

Viet Franchise @Copyright 2023