logo_vf2
horeca_business_school

Cẩm nang Nhượng quyền #11: Điều kiện pháp lý với bên nhận quyền

Đối với bên nhận quyền thì pháp luật Việt Nam đưa ra các tiêu chí ít khắt khe hơn. Luật pháp yêu cầu bên nhận quyền phải có đủ khả năng tiến hành các hoạt động kinh doanh sau khi nhận quyền thương mại của bên nhượng quyền. Cụ thể, họ cần có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của nhượng quyền thương mại và trong một số trường hợp ngành nghề có điều kiện thì bên nhận quyền phải có giấy phép kinh doanh hoặc đáp ứng các điều kiện kinh doanh.

Theo pháp luật Việt Nam, bên nhận quyền không nhất thiết phải có tư cách thương nhân hay được tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp như quy định của pháp luật một số nước điển hình là Trung Quốc. Sở dĩ quy định pháp luật Việt Nam thoáng hơn so với một số quốc gia khác bởi tình hình hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, các quan hệ nhượng quyền thương mại xuất hiện phổ biến trong các lĩnh vực nhà hàng, quán ăn nhanh do đó các hình thức khác như hộ kinh doanh hoặc cá nhân hoạt động thương mại trong một số lĩnh vực cũng có thể đảm nhận tốt vai trò này.

Mặc dù không cần điều kiện là doanh nghiệp nhưng cần lưu ý trong quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền, bên nhận quyền phải độc lập ở một mức độ nhất định. Các bên có sử dụng những quyền thương mại chung như nhãn hiệu, tên thương mại, khẩu hiệu, bí quyết… dẫn đến sự phụ thuộc chặt chẽ của bên nhận quyền vào bên nhượng quyền. Tuy nhiên, thực tế bên nhận quyền phải hoạt động dưới một tên thương mại riêng và tự chịu trách nhiệm đối với các hành vi do mình thực hiện. Điều này rất quan trọng, nó là một đặc điểm để phân biệt bên nhượng quyền thương mại với các cơ sở kinh doanh phụ thuộc như các chi nhánh, văn phòng đại diện. Đồng thời việc quy định một tư cách pháp lý cụ thể, độc lập cho bên nhận quyền cũng có ý nghĩa bảo vệ quyền lợi của bên nhượng quyền khi mà rủi ro họ phải chịu từ hoạt động của các bên nhận quyền luôn luôn tiềm ẩn.

Tóm lại, qua các phân tích trên có thể rút ra một số điểm như sau:

  • Trong quan hệ nhượng quyền thương mại các chủ thể gồm có hai bên bên nhượng quyền và bên nhận quyền hoặc có thể nhiều hơn 02 chủ thể trong những quan hệ phức tạp, lúc đó có thể xuất hiện các bên nhận quyền thứ cấp.
  • Các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại có thể là thương nhân hoặc không phải thương nhân. Trên thực tế, đa số các bên khi tham gia hợp đồng nhượng quyền thương mại là thương nhân. Tuy nhiên, cũng có khi họ không phải là thương nhân, đặc biệt là khi hoạt động nhượng quyền thương mại diễn ra trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thủ công và hành nghề tự do.
  • Các điều kiện đặt ra đối với chủ thể nhượng quyền phức tạp hơn nhiều so với chủ thể nhận quyền. Điều này nằm trong khuynh hướng chung của pháp luật nhượng quyền thương mại Việt Nam là tập trung bảo vệ quyền lợi của bên nhận quyền những chủ thể luôn ở thế yếu trong quan hệ nhượng quyền thương mại.

Trích từ "Tài liệu bồi dưỡng tăng cường năng lực cho cán bộ thực hiện chức năng và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019 tại TP. HCM"

Nguồn: LS. Hồ Hữu Hoành

CONTACT US

VIET FRANCHISE

A member of FNB DIRECTOR - HoReCa Management

 

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.,
Hochiminh City, Vietnam

 

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US

Viet Franchise @Copyright 2023