logo_vf2
horeca_business_school

Cẩm nang Nhượng quyền #9: Những lưu ý dành cho Bên nhận quyền

Đối với bên nhận quyền, quan hệ NQTM là một quan hệ thương mại có tính chất bình đẳng và tự thỏa thuận, bởi vậy, không lý gì mô hình đó có thể tồn tại nếu như nó chỉ mang đến lợi thế cho bên nhượng quyền. Đối với bên nhận quyền thì mô hình NQTM cũng có rất nhiều ưu điểm:

Trước hết, bên nhận quyền sẽ có trong tay những quyền thương mại như quyền sử dụng những yếu tố tên thương mại, nhãn hiệu đã “thành danh” trên thị trường. Khi đứng trước những sản phẩm có chất lượng và giá cả ngang nhau thì khách hàng thường có xu hướng lựa chọn những sản phẩm nổi tiếng hơn, tồn tại lâu đời. Chính vì điều này, một khi một cơ sở sản xuất kinh doanh ra đời sẽ rất khó cho họ để thành công khi phải đối mặt với những thương hiệu đã tồn tại trước đó và rủi ro trong trường hợp này là rất cao. Thực tiễn cũng đã chứng minh được điều này, theo số liệu của Phòng Thương mại Mỹ trung bình chỉ có 5% số doanh nghiệp hình thành theo mô hình NQTM tại Mỹ thất bại, trong khi con số này là 30 – 65% cho các doanh nghiệp không theo mô hình nhượng quyền. Bởi vậy, NQTM đã tạo ra cơ hội rất lớn cho những người tham gia thị trường sau, họ sẽ không phải mất thêm thời gian hay tiền bạc, sức lực để xây dựng một thương hiệu lớn. Đồng thời, tương lai của họ cũng sẽ được đảm bảo hơn bởi có thể nói bên nhận quyền đã gắn việc kinh doanh của mình với một thương nhân lớn hơn, mà uy tín và sức sống của nó đã được khẳng định.

Thứ hai, thông qua quan hệ NQTM, bên nhận quyền cũng nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ của bên nhượng quyền theo hợp đồng. Thông qua sự hướng dẫn của bên nhượng quyền, bên nhận quyền sẽ tiếp thu được những kiến thức kinh doanh, những kinh nghiệm đã mang lại thành công cho bên nhượng quyền và nhờ đó khả năng thành công của bên nhận quyền sẽ được nâng cao hơn. Như vậy bên nhận quyền sẽ thụ hưởng những trợ giúp từ bên nhượng quyền mà hầu như không phải băn khoăn gì về tính hiệu quả của nó.

Thứ ba, về góc độ kinh tế, bên nhận quyền còn có thể có được những lợi thế nhất định. Việc xây dựng chiến lược tiếp thị, quảng cáo, quy trình vận hành, chiến lược kinh doanh sẽ do bên nhượng quyền đảm trách và chuyển giao, do vậy, bên nhận quyền có thể tập trung vào các vấn đề khác. Ngoài ra bên nhượng quyền thường có những ưu đãi đặc biệt về cung cấp sản phẩm, nguyên liệu cho bên nhận quyền ví dụ tỷ lệ chiết khấu cao, giá cả ổn định, ưu tiên phân phối…

Bất cứ một hình thức kinh doanh nào cũng đều có những điểm ưu và nhược điểm tồn tại song song. NQTM không phải là một ngoại lệ, bên cạnh những ưu điểm nó cũng có rất nhiều những nhược điểm góp phần lý giải sự thất bại của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Đối với bên nhận quyền, chi phí thành lập một cửa hàng NQTM cao hơn nhiều so với chi phí thành lập một cửa hàng kinh doanh độc lập bởi bên nhận quyền ngoài các chi phí để có được mặt bằng kinh doanh, xây dựng cơ sở vật chất… Bên nhận quyền còn phải chịu các khoản phí nhượng quyền và các loại chi phí khác như phí quảng cáo, chi phí cho các dịch vụ hỗ trợ.

Thứ hai, tính tự chủ của bên nhận quyền trong quan hệ NQTM bị hạn chế rất nhiều. Đặc trưng của NQTM là chia sẻ, cùng sử dụng các quyền thương mại nên để bảo vệ uy tín của thương hiệu, tránh sự sụp đổ của cả hệ thống NQTM. Bên nhận quyền phải chịu các ràng buộc, hạn chế nhất định liên quan đến hoạt động kinh doanh từ phía bên nhượng quyền. Họ không được tự do quyết định việc thay đổi hay cải tiến những gì nằm trong cửa hàng của mình. Ví dụ, phần trang trí nội thất, thực đơn, đồng phục, giờ hoạt động của cửa hàng phải giống với các cửa hàng khác trong cùng hệ thống NQTM. Những yếu tố này được áp dụng chung cho cả hệ thống NQTM nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của chuỗi cửa hàng. Nói cách khác trong quan hệ NQTM không thể phát huy được tính sáng tạo của các chủ thể nhận quyền. Đồng thời trong một số trường hợp với quyền kiểm tra giám sát, bên nhượng quyền có thể can thiệp đáng kể vào hoạt động của bên nhận quyền.

Thứ ba, mặc dù bên nhận quyền được sử dụng các quyền thương mại nhưng họ không phải là chủ sở hữu chúng. Vì vậy, trong quá trình hoạt động của các cơ sở mà có làm tăng giá trị của các quyền thương mại thì công sức, chi phí của bên nhận quyền bỏ ra để mở rộng hoạt động, quảng cáo sẽ có thể bị mất hoàn toàn sau khi kết thúc hợp đồng.

     Thứ tư, xuất phát từ việc sử dụng quyền thương mại không phải của mình dẫn tới bên nhận quyền sẽ phụ thuộc nhiều vào tình trạng của bên nhượng quyền. Nếu như bên nhượng quyền hay bất cứ bên nhận quyền nào khác có gặp rắc rối sẽ có thể có nguy cơ ảnh hưởng tới lợi ích của bên nhận quyền.


Trích từ "Tài liệu bồi dưỡng tăng cường năng lực cho cán bộ thực hiện chức năng và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019 tại TP. HCM"

Nguồn: LS. Hồ Hữu Hoành

 

CONTACT US

VIET FRANCHISE

A member of FNB DIRECTOR - HoReCa Management

 

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.,
Hochiminh City, Vietnam

 

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US

Viet Franchise @Copyright 2023