logo_vf2
horeca_business_school

Cẩm nang Nhượng quyền #4: Phân biệt NQTM sản xuất, NQTM phân phối và NQTM dịch vụ

Căn cứ vào đối tượng của NQTM, hoạt động NQTM chia thành: NQTM sản xuất, NQTM phân phối và NQTM dịch vụ:

          + NQTM sản xuất là loại hình nhượng quyền cho phép bên nhận quyền sản xuất và bán các sản phẩm gắn nhãn hiệu của bên nhượng quyền, theo sự chỉ đạo của bên nhượng quyền. Trong NQTM sản xuất, bên nhượng quyền còn cung cấp cho bên nhận quyền những thông tin liên quan tới bí mật thương mại hoặc những công nghệ hiện đại, thậm chí là cả những công nghệ đã được cấp bằng sáng chế. Ngoài ra, bên nhượng quyền còn có thể hỗ trợ bên nhận quyền ở một số khía cạnh như: hỗ trợ đào tạo, tiếp thị, phân phối và các dịch vụ hậu mãi…

          + NQTM dịch vụ là NQTM trong đó bên nhượng quyền khi chuyển giao quyền thương mại sẽ chuyển giao cho bên nhận quyền được kinh doanh các dịch vụ nhất định do bên nhượng quyền tạo ra. NQTM dịch vụ phổ biến trong các lĩnh vực hoạt động dịch vụ như: sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ cung cấp thẻ tín dụng… Bên nhượng quyền đã xây dựng và phát triển thành công một (hoặc một số) mô hình dịch vụ nhất định mang thương hiệu riêng, bên nhận quyền được quyền cung ứng các dịch vụ ra thị trường theo mô hình và với thương hiệu của bên nhượng quyền.

          Về bản chất thì NQTM sản xuất và NQTM dịch vụ có điểm giống nhau đó là nó không chỉ chuyển giao quyền sử dụng các yếu tố như nhãn hiệu, thương hiệu, trang trí, các khẩu hiệu như NQTM phân phối mà còn chuyển nhượng cả công thức kinh doanh, cách thức điều hành quản lý, các bí quyết thành công của bên nhượng quyền. Do đó trong loại quan hệ NQTM này đòi hỏi mối quan hệ rất chặt chẽ giữa các bên nhằm đảm bảo một tính thống nhất giữa các cửa hàng trong cùng một hệ thống.

          + Nhượng quyền phân phối là loại hình NQTM phổ biến nhất hiện nay, NQTM phân phối là hoạt động NQTM trong bên nhận quyền có trách nhiệm bán lại các sản phẩm mà bên nhượng quyền cung cấp, họ không có quyền sản xuất sản phẩm và gắn nhãn hiệu của bên nhượng quyền, họ chỉ được sử dụng một số dấu hiệu như tên thương mại, biển hiệu của bên nhượng quyền.

          Loại hình này phổ biến bởi lý do nó là quan hệ dễ thực hiện nhất, các bên tham gia quan hệ không phải đáp ứng quá nhiều điều kiện về tài chính cũng như về mặt pháp lý. Quan hệ NQTM này khá giống với quan hệ giữa nhà sản xuất và các đại lý phân phối trên thị trường, do đó bên nhận quyền không cần phải có tiềm lực về tài chính, đội ngũ nhân công để tiếp nhận công nghệ, cách thức vận hành máy móc như trường hợp nhượng quyền sản xuất. Bên nhận quyền cũng không cần chứng chi hành nghề, kinh nghiệm để tiếp nhận quyền thương mại. Ngoài ra, mô hình này cũng có lợi đối với bên nhượng quyền vì sẽ giảm thiểu rủi ro tiết lệ bí mật kinh doanh, yếu tố làm nên lợi thế cho họ. Nói một cách cụ thể hơn, do chỉ đóng vai trò phân phối nên bên nhận quyền không được tiếp xúc với các bí quyết kinh doanh, phương thức sản xuất và không thể tiết lộ các thông tin đó khi phát sinh mâu thuẫn.

          Trên thực tế, có nhiều trường hợp không có sự phân biệt rõ ràng giữa ba loại hình này vì có thể quan hệ đó bao gồm cả nhượng quyền sản xuất và nhượng quyền phân phối hoặc nhượng quyền sản xuất và nhượng quyền dịch vụ…

          Trong giai đoạn mở cửa và hội nhập kinh tế hiện nay của Việt Nam đã tạo điều kiện cho sự phát triển của rất nhiều loại quan hệ xã hội khác nhau đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Trong số đó có rất nhiều hoạt động trông giống với NQTM tới mức đôi khi khó có thể phân biệt được như hoạt động đại lý, chuyển giao công nghệ, li-xăng.

Trích từ "Tài liệu bồi dưỡng tăng cường năng lực cho cán bộ thực hiện chức năng và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019 tại TP. HCM"

Nguồn: LS. Hồ Hữu Hoành

 

CONTACT US

VIET FRANCHISE

A member of FNB DIRECTOR - HoReCa Management

 

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.,
Hochiminh City, Vietnam

 

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US

Viet Franchise @Copyright 2023