logo_vf2
horeca_business_school

Chuỗi đồ uống tràn lan, ai đủ sức chạy đua với trend?

Trong thị trường F&B với ngành trà sữa đồ uống năm 2023 có nhiều sản phẩm mới xuất hiện làm nên tiêu điểm theo mùa. Có những mặt hàng đã tạo thành đặc trưng của thương hiệu, song cũng có sản phẩm “sớm nở tối tàn”. Bên cạnh đó, sân chơi có thêm nhiều chuỗi đồ uống “nội – ngoại” xuất hiện với mức đầu tư bài bản cho thấy sức cạnh tranh không chỉ dừng lại ở chuyện chạy theo xu hướng (trend).

Trên đà mở rộng quy mô

Theo báo cáo từ Euromonitor, vào cuối năm 2022, thị trường chuỗi cà phê tại Việt Nam đã đạt quy mô khoảng 1 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Đồng thời, theo thống kê của Q&Me tính đến tháng 3-2023, số lượng cửa hàng của 14 thương hiệu chuỗi cà phê nổi bật tại Việt Nam đã tăng thêm 133, đạt tổng cộng 1.657 cửa hàng trên toàn quốc so với năm 2022.

Anh Andy Nguyễn, chuyên gia trong lĩnh vực F&B nhìn nhận, vào nửa cuối năm 2023 các thương hiệu đồ uống lớn có tên tuổi liên tục ra mắt món mới. Cửa hàng nhỏ lẻ theo các trend đồ ăn như trà chanh giã tay, bánh đồng xu phô mai, trà mãng cầu… Điểm chung của các sản phẩm này là đến và đi nhanh chóng vì sự thay thế liên tục theo mùa, cũng như thức uống không có đặc trưng cao để giữ tính cạnh tranh với đối thủ, nhằm giữ chân người mua.

Bên cạnh các sản phẩm tạo trend, nhiều  “ông lớn” trong ngành như Starbucks, Highlands Coffee, Phúc Long, Phê La hay Katinat ngày càng mở rộng quy mô và thị phần từ nguồn lực có sẵn để thực hiện các chiến dịch mới trong năm qua.

Gần đây nhất, Highlands Coffee đã khởi công nhà máy rang cà phê trị giá 500 tỉ đồng, Phê La lấn sân mở chi nhánh mới ở Hội An và Đà Nẵng, Katinat đã nâng quy mô chuỗi lên 58 cửa hàng. Còn Trung Nguyên Legend và Cộng cà phê lựa chọn “xuất ngoại” với hàng loạt cửa hàng mới ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Canada.

Ghi nhận từ Ipos.vn, các chuỗi cà phê như Phúc Long, Katinat Bắc tiến với các cơ sở ở Hà Nội. Giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023, có thời điểm Phúc Long đã tăng số lượng điểm bán sát mốc 1.000.

Theo công bố trên website, Phúc Long hiện có 23 cửa hàng lớn tại thị trường Hà Nội, chiếm 16% tổng số cửa hàng flagship (cửa hàng đầu tư lớn có nét đặc trưng, đại diện cho thương hiệu) trên cả nước. Tính cả các ki-ốt tích hợp trong hệ thống siêu thị Winmart, Phúc Long đang có tới 137 điểm bán phủ sóng từ khu vực trung tâm ra ngoại thành Hà Nội.

Bên cạnh Phúc Long, Katinat Saigon Cafe cũng chính thức tiến vào thị trường miền Bắc vào tháng 4 năm ngoái với hai cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội.

Chuỗi cà phê Muối chú Long ở trung tâm quận 1. Ảnh: Hoàng An

Một báo cáo hành vi người tiêu dùng Việt Nam 2023 của McKinsey chỉ ra nhu cầu ăn uống xếp thứ 4 với tỉ lệ 34% trong các nhu cầu chi tiêu (dẫn đầu là áo quần, giày dép, phụ kiện với 56%, kế tiếp là mĩ phẩm với 35%).

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch F&B Investment, chuyên đầu tư và tư vấn trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam đánh giá thị trường chuỗi cà phê sẽ chứng kiến nhiều sự biến động và cạnh tranh mạnh mẽ trong năm 2024-2025. Sự xuất hiện của Cotti Coffee tại Sài Gòn và Hà Nội mới đây là một ví dụ. Đây là chuỗi cà phê có tốc độ nhân bản mạnh tại Trung Quốc với độ phủ nhanh tại Đông Nam Á, trong đó Việt Nam được coi là thị trường trọng điểm nhất.

“Cá nhân tôi cũng biết một số chuỗi cà phê rất mạnh của Trung Quốc bao gồm Luckin Coffee (trên 10.000 điểm) và Lucky Cup (công ty con của Mixue, hơn 3.000 điểm) cũng đã có kế hoạch vào thị trường Việt Nam trong những năm tới. Với chiến lược giá rẻ, mô hình tinh gọn, độ phủ nhanh và chuỗi cung ứng làm chuyên nghiệp, dự kiến thị trường chuỗi đồ uống sẽ có sự cạnh tranh rất mạnh”, ông Tùng nói.

Ai đủ sức chạy đua với trend?

Các thương hiệu nhỏ lẻ mới thành lập hoặc nhượng quyền giá rẻ theo xu hướng, chuyên gia cho rằng không giữ được nhiệt lâu vì sản phẩm dễ thay thế bởi đối thủ theo sau. Kết quả khảo sát thị trường kinh doanh ẩm thực 6 tháng đầu năm 2023 của Ipos.vn đã ghi nhận món cà phê muối và trà mãng cầu là 2 món ăn được các cửa hàng thêm vào menu nhiều nhất.

Có tới 40,1% đơn vị được khảo sát đã thêm cà phê muối vào menu, dù món đồ uống này mới chỉ xuất hiện đầu tháng 4-2023. Tiếp theo sau là món trà mãng cầu, với 34,3% doanh nghiệp F&B chọn thêm vào menu. Dù gây sốt mạng xã hội, tuy nhiên trend trà mãng cầu và gỏi gà măng cụt lại không duy trì được nhiệt quá lâu. Các cuộc thảo luận về 2 món ăn này dần giảm sút vào cuối tháng 6 vừa qua.

Chia sẻ với KTSG Online, ông Dương Thành Long, chủ của thương hiệu Cà phê Muối chú Long từng “lên xu hướng” năm qua cho biết, khách hàng đã tiếp cận và ủng hộ thương hiệu từ những ngày đầu qua nền tảng Tiktok. Ông Long cho rằng dù cà phê muối là tâm huyết của đội ngũ phát triển và có sự ra mắt thành công nhưng để sản phẩm không phải là xu hướng vài ba tháng cần phải nỗ lực rất nhiều.

“Sự ổn định về chất lượng của ly cà phê và trải nghiệm khách hàng, dù mới hay cũ, ngắn hay dài thì cũng không thể lơ là. Làm thế nào để từng ngày cải thiện về chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ để mang đến giá trị thực sự cho mọi người, tôi nghĩ đó cũng là cách duy nhất để giữ chân khách hàng”, ông chia sẻ.

Qua một năm bùng nổ của các trend ẩm thực, chất lượng sống người tiêu dùng ngày càng được quan tâm và nâng cao, mọi người có nhiều sự lựa chọn hơn từ các phân khúc giá cả. Theo các chuyên gia, ngành F&B đang có xu hướng phát triển khá giống với ngành thời trang nhanh, nghĩa là đòi hỏi tính linh hoạt và tính mới liên tục. Điều này cũng tạo sức ép khiến những người kinh doanh F&B phải luôn chịu áp lực tạo ra các sản phẩm mới. Trong đó chú trọng đến các bộ sưu tập đồ uống theo mùa, các dạng bao bì sáng tạo cho các dịp lễ Tết đặc biệt quanh năm.

Chẳng hạn, chuỗi Luckin Coffee trong 1 năm có thể tạo ra hơn 100 sản phẩm mới để thay đổi linh hoạt chiều lòng khách hàng… Chuyên gia cho rằng đây là cơ hội cho những tổ chức kinh doanh F&B có tính đổi mới sáng tạo mạnh, song cũng là thách thức với những người kinh doanh F&B có tư duy cũ kĩ, ngại thay đổi.

Chuỗi trà sữa giá rẻ Mixue đạt gần 1.000 cửa hàng trên thị trường. Ảnh: Hoàng An

Theo ông Hoàng Tùng, nếu chủ đầu tư, nhà kinh doanh cửa hàng cà phê đã có chiến lược mô hình kinh doanh hay sản phẩm thì cứ đi tập trung duy trì và cải tiến. Như đã thấy, các mô hình chuỗi đồ uống của Trung Quốc rất mạnh về mô hình tinh gọn, phủ điểm nhanh, sản phẩm dẫn giá cực rẻ… Chuỗi Highlands ở Việt Nam bắt nhịp có sản phẩm cà phê chỉ 19.000 đồng. Đây chính là cách tạo sản phẩm có rào cản đối với các đối thủ mới và giữ lượng khách hàng cũ.

“Tập trung giữ cho trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ thật tốt sẽ là hướng đi chủ động nhất. Thị trường cạnh tranh nhưng vẫn đủ rộng để cho nhiều nhu cầu khác nhau cùng tồn tại. Ngay cả tại Trung Quốc, nơi các thương hiệu chuỗi giá rẻ tung hoành thì những hãng cao cấp như Starbucks hay Mc Café vẫn tồn tại và phát triển như thường”, ông nói.

Hoàng An/sgtiepthi.vn
CONTACT US

VIET FRANCHISE

A member of FNB DIRECTOR - HoReCa Management

 

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.,
Hochiminh City, Vietnam

 

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US

Viet Franchise @Copyright 2023