logo_vf2
horeca_business_school

Phạm vi hoạt động của các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại lĩnh vực Bưu chính - một số bất cập và hướng hoàn thiện

TÓM TẮT:

Hoạt động nhượng quyền trên thị trường ngày càng đa dạng, các mô hình kinh doanh gắn liền với quan hệ pháp luật có liên quan đến hoạt động nhượng quyền cũng ngày càng phức tạp, trong đó bao gồm có nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực bưu chính. Thực trạng áp dụng các quy định về phạm vi hoạt động của các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại lĩnh vực Bưu chính cũng không tránh khỏi những bất cập, vướng mắc. Bài viết phân tích một số bất cập và đề xuất hướng giải quyết cơ bản về phạm vi hoạt động của các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại lĩnh vực Bưu chính, như: xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ NQTM lĩnh vực Bưu chính và liên quan đến thỏa thuận phân chia về phạm vi thực hiện hoạt động NQTM trong lĩnh vực Bưu chính.

1. Đặt vấn đề

Sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) đã mang tới nhiều hình thức kinh doanh tiềm năng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào thị trường, tìm kiếm cơ hội sản xuất, kinh doanh, phân phối và cung ứng dịch vụ. Những năm gần đây, thị trường Việt Nam sôi động, tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu người tiêu dùng tiếp cận TMĐT ngày càng cao. Sức mua online tăng cao đã góp phần thúc đẩy nhu cầu vận chuyển của người tiêu dùng. Mặt khác, Việt Nam đang là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, đầy hứa hẹn, tiềm năng để phát triển ngành dịch vụ giao nhận, chuyển phát và logistics. Cùng với sự phát triển thị trường kinh tế, tại Việt Nam đã xuất hiện lĩnh vực đầu tư mới - mô hình nhượng quyền thương mại (NQTM) trong lĩnh vực Bưu chính. Hiện nay, ngành Dịch vụ bưu chính, chuyển phát, giao nhận hàng,... là lĩnh vực kinh doanh thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tham gia kinh doanh. Đây được xem là một mô hình kinh doanh giúp nhà đầu tư tối ưu nhiều chi phí đầu tư, vì tận dụng được công nghệ, thương hiệu, quy trình xử lý phân loại và mạng lưới hệ thống của các đơn vị nhượng quyền. Lý thuyết về NQTM, tên tiếng Anh là “The Theory of Franchising” của tác giả Chandra S. Mishra đã chỉ ra rằng tại sao và khi nào các nhà cung cấp, nhà sản xuất sẽ lựa chọn mô hình nhượng quyền để mở rộng hoạt động kinh doanh [1]. Lý thuyết về NQTM xác định các điều kiện cụ thể như mô hình kinh doanh, khả năng tham gia thị trường, tiềm năng về nguồn vốn và cơ hội tăng trưởng. Bên nhượng quyền có thể lựa chọn mô hình NQTM là một phương thức nhằm tăng cường, mở rộng quy mô, vị thế và duy trì vị trí cạnh tranh trên thị trường. Dựa trên lý thuyết về NQTM, tác giả Chandra S. Mishra đã đề cập đến những nguyên nhân, kết quả mà các đơn vị nên hoặc không nên tham gia vào quan hệ NQTM và những lợi ích, cùng một số rủi ro các bên sẽ gặp phải trong quá trình hoạt động kinh doanh NQTM.

Hoạt động NQTM trong lĩnh vực Bưu chính là hoạt động mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam trong những năm gần đây [2]. Hiện nay, Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng về việc phát triển thị trường TMĐT, kéo theo các nhu cầu về giao nhận hàng hóa ngày càng cao. Theo thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ tính trong tháng 10/2023, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 5500 tỷ đồng, tăng 4,8% so với tháng 9/2023 và tăng 20% so với tháng 10/2022; sản lượng bưu gửi ước đạt 230 triệu bưu gửi, tăng 4,5% so với tháng 9/2023 và tăng 30% so với tháng 10/2022 [3]. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính như SUPERSHIP, BEST EXPRESS, J&T EXPRESS,… đều là những cái tên nổi bật trong hoạt động NQTM trong lĩnh vực bưu chính tại thị trường Việt Nam. Hoạt động NQTM có thể xuất hiện dưới các tên gọi khác nhau như nhượng quyền bưu cục, nhượng quyền chuyển phát nhanh, nhượng quyền giao nhận hàng hóa. Tuy nhiên, về bản chất vẫn là hình thức NQTM trong lĩnh vực bưu chính nhằm thực hiện cung ứng các dịch vụ liên quan đến chấp nhận, vận chuyển và phát các bưu gửi (thư, gói, kiện tài liệu, hàng hóa). Đặc điểm chung giữa các mô hình NQTM trong lĩnh vực bưu chính này là việc các doanh nghiệp đã có thương hiệu về việc cung ứng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh tại thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Indonesia, Mỹ,… hoặc tại thị trường Việt Nam, đồng thời, các doanh nghiệp này đã đáp ứng các điều kiện về Giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính theo quy định trước khi tiến hành thực hiện hoạt động NQTM.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai hoạt động NQTM trong lĩnh vực Bưu chính còn nhiều bất cập, hạn chế, liên quan đến phạm vi hoạt động của các bên nhận nhượng quyền trong lĩnh vực Bưu chính, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai hoạt động kinh doanh. Các hạn chế, bất cập nêu trên đã làm cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài còn e ngại, không an tâm khi tham gia vào hoạt động nhượng quyền bưu chính.

2. Khái niệm về nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực Bưu chính

Từ “Franchise” có nguồn gốc từ tiếng Pháp cổ là “Franc” có nghĩa là “tự do” hoặc “đặc quyền” - “privilege” [4]. Xét về nghĩa của từ Franchise cho thấy bản chất của hoạt động NQTM xuất phát từ chủ thể có quyền, đặc quyền mà chủ thể thực hiện quyền mới có. Xem xét dưới góc độ kinh tế, NQTM là hoạt động nhằm mở rộng quy mô kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ, cũng như phát triển thị trường của các bên nhượng quyền thông qua hình thức chia sẻ một mô hình kinh doanh cho các thương nhân khác. Hoạt động này được xác lập bởi ít nhất từ hai chủ thể trở lên. Bên nhượng quyền là chủ thể có quyền, có thể hiểu là có quyền sở hữu với quyền thương mại của thương nhân đó, còn Bên nhận nhượng quyền là một thương nhân độc lập, muốn được kinh doanh bằng quyền thương mại của bên nhượng quyền.

Theo Hiệp hội Nhượng quyền kinh doanh quốc tế, “Nhượng quyền thương mại là mối quan hệ theo hợp đồng, giữa Bên giao và Bên nhận quyền, theo đó Bên giao đề xuất hoặc phải duy trì sự quan tâm liên tục tới doanh nghiệp của Bên nhận trên các khía cạnh như bí quyết kinh doanh, đào tạo nhân viên; Bên nhận hoạt động dưới nhãn hiệu hàng hóa, phương thức, phương pháp kinh doanh do Bên giao sở hữu hoặc kiểm soát; và Bên nhận đang, hoặc sẽ tiến hành đầu tư đáng kể vốn vào doanh nghiệp bằng các nguồn lực của mình”[5]. Từ đó, có thể hiểu, Bên nhận quyền sẽ có vai trò quyết định trong việc đầu tư tài chính và vận hành hoạt động kinh doanh theo mô hình, yêu cầu của Bên giao quyền.

Tại Việt Nam, Điều 284 Luật Thương mại năm 2005 quy định về hoạt động NQTM như sau: “Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây: (1) Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền; (2) Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh”.

            Căn cứ theo Khoản 1 Điều 3 Luật Bưu chính năm 2010 quy định: “Hoạt động bưu chính gồm các hoạt động đầu tư, kinh doanh, cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính...”, trong đó “Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử”. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia kinh doanh trong lĩnh vực Bưu chính là việc đầu tư tài sản, xây dựng hệ thống cơ sở khai thác bưu gửi, điểm phục vụ bưu chính được kết nối bằng các tuyến vận chuyển và tuyến phát để cung ứng dịch vụ bưu chính tới các địa chỉ theo yêu cầu.

            Như vậy, NQTM trong lĩnh vực Bưu chính là việc các nhà đầu tư thực hiện hoạt động NQTM để đầu tư, kinh doanh, cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính, trong đó, nhà đầu tư có thể là Bên Nhượng quyền hoặc Bên Nhận nhượng quyền trong Hợp đồng nhượng quyền.

3. Phạm vi hoạt động của các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực Bưu chính

Quyền của doanh nghiệp là được “tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm” và “tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh”. Theo đó, doanh nghiệp được quyền thực hiện hoạt động kinh doanh ngành nghề trong phạm vi pháp luật không cấm và phải tuân thủ các điều kiện trước khi đi vào hoạt động đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như: bưu chính, các ngành nghề về kinh doanh thực phẩm hoặc một số ngành nghề khác. Đối với NĐTNN đầu tư theo hình thức lập dự án đầu tư, thành lập tổ chức kinh tế hoặc mua vốn góp, cổ phần trong các tổ chức kinh tế tại Việt Nam cần phải đáp ứng các điều kiện và thủ tục theo Luật Đầu tư và các điều kiện theo pháp luật chuyên ngành. Đối với các doanh nghiệp muốn thực hiện hoạt động kinh doanh NQTM trong lĩnh vực Bưu chính cần phải đáp ứng các điều kiện theo pháp luật về thương mại và pháp luật về bưu chính.

Trong quan hệ pháp luật về NQTM trong lĩnh vực Bưu chính, hành vi thỏa thuận phân chia thị trường cung ứng dịch vụ tồn tại trong các điều khoản của hợp đồng NQTM về khu vực, lãnh thổ hoặc các điều khoản về phạm vi cung ứng dịch vụ, phạm vi nhượng quyền. Theo đó, các bên chủ thể trong Hợp đồng đồng ý và quy định rõ Bên nhận quyền sẽ được quyền kinh doanh trong một phạm vi hoặc khu vực địa lý nhất định. Ngược lại, Bên nhượng quyền đảm bảo bằng một cam kết không NQTM cho bất kỳ bên thứ ba nào khác trong phạm vi địa lý đã thỏa thuận. Thỏa thuận này sẽ góp phần cho các chủ thể khai thác những giá trị thương mại tối đa, tạo ra một vị thế cạnh tranh nhất định cho bên nhượng quyền tại khu vực địa lý đã quy định trong thỏa thuận. Điều này sẽ nâng cao vị thế của bên nhượng quyền trên thị trường, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh hệ thống NQTM giữa bên nhượng quyền và các đối thủ khác trên thị trường liên quan.

Dưới đây là 1 mô hình luân chuyển hàng hóa trong hoạt động NQTM trong lĩnh vực Bưu chính đã được một số thương nhân thực hiện tại Việt Nam (Xem Sơ đồ)

Sơ đồ: Mô hình luân chuyển hàng hóa trong hoạt động nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực Bưu chính

nhương quyền

Nguồn: Tác giả đề xuất

Ghi chú:

  1. Công ty A là Bên Nhượng quyền;
  2. BNNQ1 là bên nhận nhượng quyền của Công ty A và BNNQ1 chỉ được phép hoạt động giao và nhận thư, hàng hóa trong khu vực Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. BNNQ1 và BNNQ2 là 2 pháp nhân độc lập đã thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật Việt Nam.

Diễn giải quy trình giao nhận hàng hóa:

  • Khách hàng X đến bưu cục của BNNQ1 muốn gửi thư, hàng hóa (gọi tắt là bưu kiện) có khối lượng 1kg từ quận 1, TP. Hồ Chí Minh đến khách hàng Y tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
  • BNNQ1 sau khi nhận bưu kiện của khách hàng X sẽ cho xe vận chuyển đến Kho hàng của Công ty A đặt tại TP. Hồ Chí Minh.
  • Công ty A sau khi phân loại bưu kiện từ các BNNQ, sẽ cho xe vận chuyển bưu kiện đến kho hàng của Công ty A tại Hà Nội. Nơi đây, bưu kiện sẽ được phân loại lần nữa.
  • BNNQ2 sẽ đến kho của Công ty A tại Hà Nội để chuyển bưu kiện của khách hàng X đến địa chỉ của khách hàng Y tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội.

4. Những vấn đề pháp lý đặt ra liên quan đến phạm vi hoạt động NQTM trong lĩnh vực Bưu chính của các bên

Thứ nhất, về phạm vi hoạt động của các bên trong quan hệ NQTM trong lĩnh vực Bưu chính

Theo phạm vi hoạt động theo thỏa thuận giữa các bên, mỗi bên nhận nhượng quyền chỉ hoạt động trong một khu vực nhất định; đồng thời chỉ có thể giao và nhận bưu phẩm, bưu kiện tại địa bàn một Quận hoặc một số Phường được chỉ định trong nội tỉnh/thành phố do Công ty A và bên nhận nhượng quyền thỏa thuận với nhau. Căn cứ theo Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 47/2011/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 25/2022/NĐ-CP quy định: “Cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi liên tỉnh là việc cung ứng dịch vụ bưu chính giữa hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên”. Theo quy định pháp luật về Bưu chính, phạm vi hoạt động bưu chính nội tỉnh hoặc liên tỉnh sẽ xác định dựa trên phạm vi cung ứng dịch vụ theo địa giới hành chính. Trường hợp, bưu kiện được chấp nhận, vận chuyển và phát bởi các doanh nghiệp bưu chính trong phạm vi một tỉnh, hoặc thành phố trực thuộc trung ương, thì đây là hoạt động bưu chính nội tỉnh. Trường hợp bưu kiện được chấp nhận, vận chuyển và phát từ hai tỉnh, thành phố trở lên thì đây là dịch vụ bưu chính liên tỉnh. Và cơ sở để xem xét, xác định phạm vi sẽ dựa trên điểm “chấp nhận” cung cấp dịch vụ bưu chính và điểm “phát” bưu kiện, nghĩa là một bưu kiện được gửi từ TP. Hồ Chí Minh (điểm chấp nhận bưu gửi) và được phát tại Hà Nội (điểm phát bưu gửi) thì đây được coi là dịch vụ bưu chính liên tỉnh.

Tuy nhiên, trên thực tế và theo mô hình NQTM trong lĩnh vực Bưu chính, các bên nhận nhượng quyền chỉ hoạt động trong một phạm vi khu vực địa lý nhất định, tại một Quận thuộc tỉnh/Thành phố. Song trên mã vận đơn của các bưu kiện, đều thể hiện điểm chấp nhận và điểm phát ở hai tỉnh, thành phố khác nhau. Vậy, dựa trên quy định pháp luật về Bưu chính, việc xác định phạm vi các BNNQ kinh doanh thuộc phạm vi liên tỉnh hay nội tỉnh?

Việc xác định phạm vi cung ứng dịch vụ bưu chính sẽ liên quan đến việc doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục pháp lý, đáp ứng các điều kiện và xin Giấy phép hoạt động tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Đối với phạm vi cung ứng dịch vụ bưu chính nội tỉnh, doanh nghiệp làm thủ tục xin cấp Giấy phép bưu chính tại Sở Thông tin và Truyền thông nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Đối với phạm vi cung ứng dịch vụ bưu chính liên tỉnh, doanh nghiệp làm thủ tục xin cấp Giấy phép bưu chính tại Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc đáp ứng các điều kiện theo mỗi phạm vi cung ứng và tài liệu, hồ sơ để thực hiện các thủ tục pháp lý cũng sẽ khác nhau. Đối với dịch vụ liên tỉnh, hồ sơ sẽ phức tạp và thời gian xử lý sẽ lâu hơn so với phạm vi nội tỉnh.

Căn cứ Văn bản số 4430/BTTTT-BC ngày 11/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn mô hình hoạt động NQTM trong lĩnh vực Bưu chính đã nêu: “Căn cứ thông tin về quy trình cung ứng dịch vụ và thông tin về người gửi, người nhận trên bưu gửi do Công ty cung cấp tại Văn bản kiến nghị; trên cơ sở quy định tại Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 47/2011/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính thì phạm vi cung ứng dịch vụ mà Công ty nêu trong văn bản kiến nghị thuộc phạm vi liên tỉnh”.

Theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, kèm theo căn cứ trích dẫn nêu trên, xác định các bên nhận nhượng quyền dù chỉ hoạt động tại một khu vực địa lý là quận, huyện thuộc một tỉnh, thành phố nhưng trên Mã vận đơn ghi thông tin điểm chấp nhận và điểm phát là hai tỉnh, thành phố thì đều thuộc phạm vi cung ứng dịch vụ bưu chính liên tỉnh. Điều này, gây khó khăn cho các bên nhận nhượng quyền, vì họ không thực hiện việc cung ứng dịch vụ ra khỏi ngoài phạm vi một tỉnh, theo các điều kiện ràng buộc theo hợp đồng NQTM nhưng vẫn phải đáp ứng các điều kiện và xin Giấy phép cho hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính liên tỉnh.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của các sàn giao dịch TMĐT tại thị trường Việt Nam như: Shoppee, Lazada, Tiki hay Sendo,… cùng hệ thống website phân phối hàng hóa hiện nay thì nhu cầu giao nhận, chuyển phát ngày càng gia tăng. Việc bên nhượng quyền với ưu thế là một doanh nghiệp đã có uy tín, thương hiệu trên thị trường và hệ thống mạng lưới bưu cục trên cả nước đàm phán, ký kết hợp đồng với các sàn giao dịch TMĐT, số lượng đơn hàng sẽ rất lớn. Do đó, khi các bên nhận nhượng quyền tham gia vào hệ thống của bên nhượng quyền, thì việc thỏa thuận về phạm vi thực hiện hoạt động NQTM tại một khu vực cũng là một phương án tối ưu để bên nhận nhượng quyền phụ trách thị trường tại khu vực địa lý đó giải quyết các nhu cầu nhanh chóng và cung ứng dịch vụ một cách tốt nhất.

Thứ hai, xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ NQTM trong lĩnh vực Bưu chính khi thực hiện theo mô hình trên.

Bên nhượng quyền và các bên nhận nhượng quyền thỏa thuận phân chia khu vực, phân chia các khâu trong một quy trình cung ứng dịch vụ để cùng nhau hợp tác cùng thực hiện hoạt động kinh doanh dưới một nhãn hiệu chung của bên nhượng quyền. Tuy nhiên, các bên nhận nhượng quyền chỉ thực hiện một phần trong quy trình cung ứng dịch vụ tại địa bàn một tỉnh, thành phố. Nhưng bưu kiện của khách hàng lại được tính từ điểm chấp nhận bưu kiện đến điểm phát bưu kiện, trong khi quá trình vận chuyển bưu kiện sẽ di chuyển qua nhiều tỉnh, thành phố khác nhau.

Vấn đề pháp lý đặt ra khi bưu kiện được các bên nhận nhượng quyền là điểm “chấp nhận” bưu gửi của khách hàng, nhưng khi bưu kiện được vận chuyển qua địa bàn khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu kiểm tra bưu kiện, hàng hóa thì bên nhượng quyền hay các bên nhận nhượng quyền sẽ chịu trách nhiệm?

Xét dưới góc độ pháp lý, các bên nhận nhượng quyền đều là các pháp nhân độc lập có đăng ký kinh doanh về các ngành nghề bưu chính, chuyển phát nhanh theo quy định. Khi các pháp nhân này thực hiện các hoạt động kinh doanh, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của hoạt động kinh doanh. Đối với các lĩnh vực NQTM khác như phân phối, dịch vụ ăn uống,… các dịch vụ, hoặc hoạt động kinh doanh này không mang tính chất “thay đổi” hoặc “di chuyển”, bởi lẽ các hoạt động này được các bên nhận nhượng quyền tiến hành tại một địa điểm kinh doanh cụ thể. Việc phát sinh các trách nhiệm pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh hoặc dịch vụ này sẽ xác định được trách nhiệm pháp lý của pháp nhân thực hiện.

Đối với hoạt động NQTM bưu chính lại có tính chất đặc thù là hoạt động cung ứng dịch vụ và gói kiện, bưu kiện thuộc dịch vụ bưu chính có tính chất thay đổi. Đối với một gói bưu kiện di chuyển do bên nhận nhượng quyền chấp nhận cho gửi từ khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng khi tới địa bàn của tỉnh Đồng Nai sẽ chuyển giao cho bên nhận nhượng quyền khác. Việc gói bưu kiện trong quá trình vận chuyển trước khi tới địa điểm nhận của khách hàng có phát sinh các vấn đề như thất lạc, hư hỏng hoặc rách nát,… đặc biệt là các trường hợp lợi dụng sơ hở để người thứ ba hoặc nhân viên của bên nhượng quyền khác có hành vi thay đổi nội dung bưu kiện, hàng hóa vi phạm pháp luật thì bên nhận nhượng quyền nào trong hệ thống của bên nhượng quyền sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng và chịu trách nhiệm trước pháp luật?

Đây là một vấn đề pháp lý quan trọng, cần phải được quy định rõ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, cũng như các bên chủ thể trong quan hệ NQTM trong lĩnh vực Bưu chính. Căn cứ theo Điều 24 Nghị định số 47/2011/NĐ-CP, nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định như sau: “Việc bồi thường thiệt hại trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Không bồi thường thiệt hại gián tiếp ngoài hợp đồng hoặc các nguồn lợi không thu được do việc cung ứng dịch vụ bưu chính không bảo đảm chất lượng mà hai bên đã thỏa thuận”. Và căn cứ để xác định bồi thường thiệt hại đối với khách hàng là “chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi” hoặc “chứng từ chứng minh việc sử dụng dịch vụ”. Nghĩa là, khi phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với bưu gửi, hàng hóa của khách hàng chỉ cần xác định dựa trên mã vận đơn bưu gửi, hoặc chứng từ thể hiện khách hàng đã sử dụng dịch vụ của bên nhận nhượng quyền.

Nếu các bên nhận nhượng quyền không cung cấp dịch vụ trọn vẹn từ khi xác lập giao dịch tới khi kết thúc dịch vụ với khách hàng, sẽ rất khó quản lý bưu kiện và xác định trách nhiệm giữa các bên liên quan. Việc xác định nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo mô hình NQTM trong lĩnh vực Bưu chính chưa phù hợp với tính chất hoạt động và cung ứng của các quan hệ pháp luật trên thực tế.

Do đó, các bên trong quan hệ NQTM trong lĩnh vực Bưu chính này phải thỏa thuận, quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của các bên khi hợp tác, nguyên tắc phối hợp, rà soát trong quá trình thực hiện cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Thứ ba, liên quan đến thỏa thuận phân chia về phạm vi thực hiện hoạt động NQTM trong lĩnh vực Bưu chính.

Khoản 2 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 quy định: “Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ” cũng được coi là một trong những thỏa thuận về hạn chế cạnh tranh. Vậy, thỏa thuận phân chia phạm vi thực hiện hoạt động NQTM trong lĩnh vực Bưu chính có được xem như một biểu hiện của hành vi thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ theo quy định của pháp luật về cạnh tranh hay không?

Theo quy định pháp luật về cạnh tranh, chưa có một định lượng cụ thể về thỏa thuận “phân chia thị trường cung ứng dịch vụ” ở mức độ cụ thể như thế nào sẽ được coi là một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Việc quy định chung như hiện tại sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, trong đó, các chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh có thể hiểu các thỏa thuận về phạm vi cung ứng dịch vụ tại các hợp đồng NQTM cũng là một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Điều này có thể khiến cho các thương nhân, đơn vị dự kiến nhận nhượng quyền sẽ e ngại, vì sự thiếu hiểu biết hoặc các NĐTNN e ngại việc hợp tác do có thể vi phạm quy định pháp luật… Đây là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng tới việc phát triển quy mô của doanh nghiệp khi hợp tác với các doanh nghiệp khác trên thị trường cùng dịch vụ liên quan.

Xét về bản chất đặc thù của các quan hệ pháp luật trong NQTM, một số trường hợp xuất phát từ ý chí của các chủ thể là bên nhận nhượng quyền, với mong muốn được nhận quyền thương mại để thực hiện hoạt động kinh doanh tại một khu vực nhất định, nhưng bên nhận nhượng quyền lại cho rằng khu vực đó có thể mang lại các giá trị, lợi ích nhất định. Dưới góc độ pháp lý và góc độ kinh tế, việc xác định các thỏa thuận về phạm vi kinh doanh tại một khu vực quy định tại các hợp đồng NQTM trong lĩnh vực Bưu chính có phải là một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hay không, cũng cần phải có văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành cụ thể và chi tiết hơn. Quy phạm pháp luật phải xác định rõ các tiêu chí, mức độ tác động của các thỏa thuận đó đối với thị trường liên quan được đánh giá ở góc độ như thế nào.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật cạnh tranh của Việt Nam hiện nay cần xem xét đến tính đặc thù của quan hệ NQTM nói chung và NQTM trong lĩnh vực Bưu chính nói riêng. Cơ quan lập pháp cần hoàn thiện các quy định pháp luật về cạnh tranh trong sự tương quan với pháp luật về NQTM để tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng, bình đẳng và minh bạch; thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5. Kết luận

Hoạt động NQTM trong lĩnh vực Bưu chính sẽ trở thành một trong những thị trường kinh doanh đầy hấp dẫn, đặc biệt với quy mô dân số tiêu dùng kỹ thuật số lớn như hiện nay. Việc hiểu đúng, đầy đủ những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động NQTM trong lĩnh vực Bưu chính là điều cần thiết. Trên cơ sở phân tích các vấn đề bất cập còn tồn tại về phạm vi hoạt động của các bên trong quan hệ NQTM thuộc lĩnh vực Bưu chính, từ đó đề xuất pháp luật cần có những quy định điều chỉnh rõ ràng hơn để giúp cho hình thức NQTM trong lĩnh vực Bưu chính sẽ phát huy được vai trò trong nền kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ đối tác nước ngoài vào Việt Nam.

 

CONTACT US

VIET FRANCHISE

A member of FNB DIRECTOR - HoReCa Management

 

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.,
Hochiminh City, Vietnam

 

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US

Viet Franchise @Copyright 2023