logo_vf2
horeca_business_school

Cẩm nang Nhượng quyền #6: Phân biệt Nhượng quyền với hoạt động chuyển giao công nghệ

Nhận biết NQTM với hoạt động chuyển giao công nghệ, chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ[1]. Bên bán có nghĩa vụ chuyển giao các kiến thức tổng hợp của công nghệ hoặc cung cấp các máy móc, thiết bị, dịch vụ, đào tạo…kèm theo cho bên mua và bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán để tiếp thu, sử dụng các kiến thức công nghệ đó theo các điều kiện đã thỏa thuận và ghi nhận trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.

          Về cơ bản NQTM và chuyển giao công nghệ có những điểm khác nhau như sau:

          Thứ nhất, về phạm vi đối tượng của hoạt động. Trong hoạt động chuyển giao công nghệ, đối tượng của hợp đồng là các kiến thức tổng hợp của công nghệ hoặc máy móc, thiết bị, dịch vụ, đào tạo kèm theo. Điều này cho thấy quan hệ chuyển giao công nghệ chủ yếu tập trung vào công nghệ sản xuất ra sản phẩm, quy trình sản xuất ra sản phẩm. Trong khi đó, NQTM như đã đề cập ở trên có phạm vi đối tượng không chỉ bao gồm quy trình sản xuất mà còn cả các quy trình sau sản xuất nhằm đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, quy trình quản lý – không chỉ giới hạn ở cơ cấu tổ chức, chính sách kinh doanh, kiểm toán, nhân sự, thậm chí cả tiêu chuẩn cho việc thiết kế, trang trí cửa hàng, nhà xưởng.

          Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của các bên thì trong quan hệ NQTM sau khi đã chuyển nhượng các quyền thương mại, bên nhượng quyền có quyền kiểm tra giám sát hoạt động của bên nhận quyền đồng thời có nghĩa vụ hướng dẫn, hỗ trợ cho bên nhận quyền nhằm hướng đến một hệ thống NQTM đồng nhất… Trong quan hệ chuyển giao công nghệ, bên chuyển giao sau khi chuyển giao công nghệ không có nghĩa vụ phải hỗ trợ hay kiểm soát hoạt động của bên nhận chuyển giao. Hay nói cách khác, trong NQTM quan hệ giữa các bên gắn bó hơn trong quan hệ chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, trong hoạt động chuyển giao công nghệ bên được chuyển giao có thể phát triển, cải tiến các đối tượng của hợp đồng. Trong khi đó, trong quan hệ NQTM, bên nhận quyền chỉ được sử dụng các quyền thương mại còn việc cải tiến chúng hoàn toàn thuộc về bên nhượng quyền.

          Thứ ba, trong quan hệ NQTM, bên nhận quyền phải thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa dưới nhãn hiệu, tên thương mại, phương thức kinh doanh của bên nhượng quyền, còn trong quan hệ chuyển giao công nghệ, thông thường bên nhận chuyển giao có quyền ứng dụng công nghệ đó để sản xuất ra sản phẩm dưới bất kỳ nhãn hiệu, kiểu dáng, tên thương mại nào mà họ muốn chứ không nhất thiết phải sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, kiểu dáng của bên chuyển giao.


[1] Khoản 7 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017.


Trích từ "Tài liệu bồi dưỡng tăng cường năng lực cho cán bộ thực hiện chức năng và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019 tại TP. HCM"

Nguồn: LS. Hồ Hữu Hoành

 


CONTACT US

VIET FRANCHISE

A member of FNB DIRECTOR - HoReCa Management

 

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.,
Hochiminh City, Vietnam

 

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US

Viet Franchise @Copyright 2023