Căn cứ tính chất mối quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền, NQTM có thể được chia thành NQTM riêng lẻ (trực tiếp), NQTM độc quyền và NQTM phát triển khu vực.
+ NQTM riêng lẻ là loại hình nhượng quyền cơ bản nhất. Đây là trường hợp bên nhận quyền ký kết hợp đồng với chủ thương hiệu hoặc bên nhận quyền độc quyền của chủ thương hiệu để được quyền sử dụng các đối tượng như nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, bí quyết kinh doanh, tiến hành kinh doanh tại một địa điểm, trong khoảng thời gian nhất định theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.
+ NQTM độc quyền là trường hợp bên nhượng quyền cấp phép cho bên nhận quyền được quyền kinh doanh các đối tượng của hợp đồng NQTM tại một khu vực lãnh thổ, trong khoảng thời gian nhất định. Trong loại hợp đồng NQTM này bên nhượng quyền bị giới hạn không được quyền cấp quyền thương mại cho bên thứ ba tiến hành hoạt động kinh doanh trong khu vực nói trên. Đồng thời, bên nhận quyền trong trường hợp này vừa có thể nhượng lại quyền thương mại cho bên thứ ba trong phạm vi lãnh thổ hoặc tự mình mở các cửa hàng trong khu vực đó để trực tiếp kinh doanh. Do quyền hạn của bên nhận quyền trong loại hình NQTM này là khá cao nên tất nhiên đi kèm với nó là phí chuyển nhượng cũng lớn hơn rất nhiều lần so với NQTM trực tiếp.
Hiện nay, nhiều hệ thống NQTM lớn như Mc. Donald’s, Pizza Hut không còn nhượng quyền trực tiếp nữa mà chỉ tập trung vào NQTM độc quyền bởi vì như vậy họ sẽ giảm được những gánh nặng về quản lý một hệ thống với số lượng các cửa hàng là quá lớn, đặc biệt là với những thị trường xa xôi có nhiều điểm khác biệt về văn hóa, phong tục.
+ NQTM phát triển khu vực là những hợp đồng trong đó bên nhận quyền được phép mở các cơ sở kinh doanh của mình trong một khu vực và thời hạn nhất định. Bên nhận quyền được phép mở số cửa hàng kinh doanh tùy thuộc vào thỏa thuận với bên nhượng quyền tuy nhiên không được phép nhượng quyền lại cho bất kỳ bên thứ ba nào. Nói một cách khác đây giống như một hình thức trung gian giữa NQTM đơn lẻ và NQTM độc quyền.
Theo pháp luật Việt Nam, Luật Thương mại 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành không hề có quy định cụ thể nào về phân loại NQTM. Tuy nhiên, tại một số điều khoản có nhắc đến tên gọi khác nhau của các bên trong quan hệ NQTM như bên nhượng quyền sơ cấp, bên nhượng quyền thứ cấp, bên nhận quyền sơ cấp, bên nhận quyền thứ cấp. Tương tự như vậy, các khái niệm về quyền thương mại chung và hợp đồng NQTM thứ cấp, hợp đồng phát triển quyền thương mại tại Điều 3 Nghị định 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (Nghị định 35) đã cho thấy , mặc dù không quy định trực tiếp thanh một điều khoản nhưng pháp luật Việt Nam đã gián tiếp thực hiện việc phân loại hoạt động NQTM tương đối giống với cách phân loại này. Tuy nhiên, việc chỉ dừng ở mức phân loại gián tiếp của Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu cần sự điều chỉnh của pháp luật của mỗi loại NQTM bởi vì mỗi loại đều có những đặc điểm riêng đòi hỏi có những qui định pháp luật khác biệt nhằm tạo khung pháp lý phù hợp. Việc bổ sung các quy phạm phân biệt rõ ràng các loại hình NQTM trong pháp luật Việt Nam sẽ tạo điều kiện để xây dựng hệ thống các quy phạm sâu sát và đầy đủ hơn.
Trích từ "Tài liệu bồi dưỡng tăng cường năng lực cho cán bộ thực hiện chức năng và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019 tại TP. HCM"
Nguồn: LS. Hồ Hữu Hoành
A member of FNB DIRECTOR - HoReCa Management
83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.,
Hochiminh City, Vietnam
Hotline: +84 903 132 508
Email: hello@fnbdirector.com
Viet Franchise @Copyright 2023