logo_vf2
horeca_business_school

Cẩm nang Nhượng quyền #10: Điều kiện pháp lý đối với bên nhượng quyền

Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền phải hoạt động ít nhất 01 năm. Trường hợp thương nhân Việt Nam là bên nhận quyền sơ cấp từ bên nhượng quyền nước ngoài, thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại ít nhất 01 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại.

Cơ sở pháp lý cho vấn đề này là Điều 5 Nghị định 35/2006/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP theo đó thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm. Việc đặt ra thời gian thử thách nhằm bảo đảm giá trị và khả năng thích nghi của quyền thương mại được chuyển nhượng với thị trường từ đó bảo vệ lợi ích của bên nhận quyền đặc biệt là trong quan hệ nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài mà các thương nhân Việt Nam là bên nhận quyền. Với tư cách là một nước đi sau trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại, quy định này ở một mức độ nhất định đã góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên nhận quyền, tránh cho họ có những quyết định sai lầm mua phải quyền thương mại của những thương nhân mặc dù làm ăn không hiệu quả nhưng có được một hệ thống quảng cáo, chào mời tốt cùng các ưu đãi lớn.

Mặc dù vậy, xét về mặt bản chất thì quy định về thời gian thử thách đối với một doanh nghiệp trước khi được tham gia nhượng quyền thương mại có nhiều vấn đề bất hợp lý như sau:

Thứ nhất, trong quan hệ nhượng quyền thương mại, bên nhận quyền trước khi ký hợp đồng họ nhất định phải có sự tìm hiểu những vấn đề liên quan tới quyền thương mại mà họ dự định nhận. Họ không có lý do gì để nhận một quyền thương mại khi mà họ không tin vào khả năng sinh lợi, khả năng thành công của quyền thương mại đó. Nói cách khác, khi tham gia vào một hệ thống nhượng quyền thương mại, bên nhận quyền hoàn toàn tự nguyện.

Thứ hai, mặc dù đã đủ thời gian hoạt động nhưng một năm không thể bảo đảm giá trị thương hiệu của bên nhượng quyền khi mà điều kiện này chỉ căn cứ vào thời gian hoạt động chứ không căn cứ vào hiệu quả kinh doanh. Yếu tố bảo đảm cho sự thích ứng, khả năng thành công của một hệ thống nhượng quyền không phải thời gian hoạt động mà là danh tiếng. Danh tiếng của một hệ thống nhượng quyền có thể được hình thành trong thời gian rất lâu hàng chục năm nhưng cũng có thể chỉ chỉ trong một vài tháng. Hơn thế nữa, khi một doanh nghiệp mới ra đời họ cũng sở hữu tên thương mại riêng, nhãn hiệu, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu của riêng họ… Mặc dù, có thể những quyền thương mại đó chưa khẳng định được uy tín, khả năng thành công, thích ứng với thị trường tuy nhiên dựa vào những đầu tư ban đầu cho thương hiệu thì quyền thương mại mà họ đang sở hữu vẫn có thể có một giá trị nhất định. Đặc biệt là những doanh nghiệp ra đời với mục đích là nhượng quyền thương mại ngay từ đầu tư Phở 24 thì thường có sự chuẩn bị, đầu tư đáng kể cho những đối tượng mà chủ sở hữu dự định chuyển nhượng. Mặc khác thời gian một năm có thể lấy đi của các thương nhận nhiều cơ hội để mở rộng thị trường. Ở đây dường như đã có một sự can thiệp có phần hơi thái quá của các quy định pháp luật vào quan hệ thương mại vốn mang tính bình đẳng thỏa thuận giữa các chủ thể độc lập với nhau về tư cách pháp lý. Bởi những lý do trên, quy định về thời gian thử thách này đang dần trở nên không thực tế và không phù hợp với xu hướng phát triển của hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.

Tuy nhiên bất chấp những lập luận trên, phải thừa nhận việc pháp luật Việt Nam quy định thời gian thử thách này là một năm ngắn hơn so với quy định của một số nước khác, vẫn là một cách tiếp cận có ý nghĩa. Thời gian thử thách ngắn đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới thành lập được nhanh chóng tham gia vào thị trường nhượng quyền thương mại, từ đó cổ vũ sự phát triển của hoạt động này ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

Tồn tại song song đó là các điều kiện khác, chủ thể nhượng quyền thương mại phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 Nghị định 35/2006/NĐ-CP được hướng dẫn tại Mục 1 Thông tư 09/2006/TT-BTM. Quy định về đăng ký với cơ quan nhà nước nước nhằm tạo ra tính minh bạch trong quan hệ nhượng quyền thương mại giữa các bên tham gia. Ngoài ra nó cũng có ý nghĩa lớn đối với hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Trước đây, hàng hóa, dịch vụ kinh doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại không vi phạm quy định tại Điều 7 của Nghị định 35/2006/NĐ-CP. Theo đó hàng hóa, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại là hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương mại sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương hoặc có đủ điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, đến ngày 15/01/2018 quy định này đã được bãi bỏ bởi quy định tại Điều 9 Nghị định 08/2018/NĐ-CP.

Trích từ "Tài liệu bồi dưỡng tăng cường năng lực cho cán bộ thực hiện chức năng và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019 tại TP. HCM"

Nguồn: LS. Hồ Hữu Hoành

 

CONTACT US

VIET FRANCHISE

A member of FNB DIRECTOR - HoReCa Management

 

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.,
Hochiminh City, Vietnam

 

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US

Viet Franchise @Copyright 2023