Đây là chia sẻ của Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa Luật sư, thời gian qua, thị trường nhượng quyền tại Việt Nam đã và đang chứng kiến sự tham gia sôi động của các doanh nghiệp từ trong nước lẫn nước ngoài, bức tranh này cho thấy điều gì?
Nhượng quyền thương mại, được xem là xu thế chung và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Thực tế, nhìn vào bức tranh chung của thị trường, có thể thấy, cùng với sự gia nhập mạnh mẽ của hàng loạt tên tuổi rất lớn ở thị trường quốc tế như: Starbucks, McDonald’s, KFC,… những năm qua, không ít thương hiệu nội địa cũng tham gia thực hiện việc kinh doanh nhượng quyền, thậm chí vươn tầm quốc tế như: Trung Nguyên Legend, Phở 24, Kinh Đô,…
Việc phát triển kinh doanh theo hướng nhượng quyền giúp các doanh nghiệp tận dụng được nguồn vốn cũng như nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh, đồng thời gia tăng doanh số từ lợi nhuận, nguồn thu chi phí nhượng quyền. Đối với bên nhượng quyền, phương thức nhượng quyền là cách thức để thâm nhập cũng như phát triển các thị trường mới, đặc biệt là đối với thị trường nước ngoài.
Nhượng quyền thương mại được coi là cách thức khởi sự kinh doanh một cách an toàn, giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm đi được nhiều áp lực về thị trường, về vốn, về quảng cáo,… Do vậy, đây là một cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp nhỏ có thể bắt đầu hoạt động kinh doanh.
>>Cạm bẫy nhượng quyền ngành F&B
Trong đó, hoạt động kinh doanh nhượng quyền được quy định rõ tại Điều 284 Luật Thương mại năm 2005: “Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh”.
- Trong kinh doanh luôn ẩn chứa những yếu tố về rủi ro, nhượng quyền thương mại, liệu có ngoại lệ, thưa Luật sư?
Bên cạnh một số mô hình thành công của kinh doanh nhượng quyền, trên thực tế, không phải thương vụ nhượng quyền thương mại nào cũng thành công. Sự hỗ trợ của bên nhượng quyền chỉ là thời gian ban đầu, việc vận hành mô hình nhượng quyền thương mại thực sự là vận hành hệ thống kinh doanh, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thực hiện của bên nhận nhượng quyền, từ việc xây dựng chiến lược tiếp nhận hệ thống nhượng quyền cho đến việc phát triển và đồng bộ hóa thương hiệu của mình.
Bên cạnh vấn đề mặt bằng khi kinh doanh nhượng quyền, vấn đề đảm bảo an toàn bí mật kinh doanh, đảm bảo uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp cũng là một trong những rủi ro mà doanh nghiệp nhượng quyền phải đối mặt.
Cụ thể, Luật Thương mại 2005 quy định rất rõ về nghĩa vụ của thương nhân nhận quyền tại khoản 4 Điều 289 nhằm hạn chế những rủi ro cho bên nhượng quyền, cụ thể, bên nhận quyền có nghĩa vụ: “Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt”.
- Vậy, làm sao để bảo vệ thương hiệu và hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh nhượng quyền, thưa Luật sư?
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc nhượng quyền thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với các thương hiệu lớn trên thế giới.
Vì vậy, để có thể trụ vững trên thương trường, các doanh nghiệp Việt Nam phải cải tiến về công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm, xây dựng được hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ, cần phải nắm được năng lực cạnh tranh cốt lõi của sản phẩm, bởi khi càng có được năng lực cạnh tranh thì khả năng bị bắt chước hoặc bị cạnh tranh bởi các đối thủ khác sẽ giảm đi,...
Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng cần xây dựng một chiến lược bài bản để thâm nhập vào thị trường, bởi có như vậy, thương hiệu của doanh nghiệp mới thành thương hiệu mạnh, từ đó tiến hành nhượng quyền trong nước và và hướng tới nhượng quyền thương hiệu ra thị trường nước ngoài.
Và một yếu tố khác cũng vô cùng quan trọng, đó là sự hỗ trợ và đồng hành giữa bên nhận và bên nhượng quyền.
Theo đó, khi nhận nhượng quyền, bên nhận nhượng quyền cần chủ động đề cập tới vấn đề về sự hỗ trợ của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền. Đó là sự hỗ trợ về phát triển thương hiệu, hỗ trợ về mặt marketing, đào tạo nhân lực hay hỗ trợ về tài chính… Tất cả những điều kiện hỗ trợ này đã được quy định thành nghĩa vụ của thương nhân nhượng quyền (căn cứ theo Điều 287 Luật Thương mại 2005) và cần phải được hai bên làm rõ ngay từ đầu, bên nhận nhượng quyền luôn luôn phải đặt ra đó là quyền lợi của mình trong quá trình vận hành hệ thống.
- Xin cảm ơn Luật sư!
Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp