Dưới đây là phần chia sẻ của Thạc sỹ Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhượng Quyền Tinh Gọn Franchise VN, đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tư vấn và đào tạo về nhượng quyền tinh gọn cho vấn đề này.
Sở hữu
Đầu tiên, sự khác biệt chính đó là ai sẽ là người sở hữu các đơn vị kinh doanh mới. Điều này cũng khá dễ hiểu. Với kinh doanh chuỗi, doanh nghiệp/ người chủ chuỗi sẽ là người sở hữu tất cả các đơn vị kinh doanh này. Còn với hoạt động nhượng quyền, doanh nghiệp/ người chủ thương hiệu sẽ đồng ý cho phép người mua nhượng quyền sử dụng thương hiệu/ công thức/ cách thức/ tài nguyên/ nguyên vật liệu để kinh doanh và trả cho người bán nhượng quyền một khoản phí (một lần và/hoặc theo doanh thu). Như vậy người mua nhượng quyền là người sở hữu đơn vị kinh doanh của họ.
Tất nhiên, quyền lợi sẽ đi kèm với trách nhiệm. Với kinh doanh chuỗi, người chủ có toàn bộ nguồn thu (lợi nhuận) từ chuỗi và kèm theo là toàn bộ trách nhiệm phát sinh ra trong quá trình hoạt động kinh doanh của chuỗi. Bao gồm cả những phát sinh về pháp lý, giấy phép, rủi ro hoạt động vận hành hay các sự vụ sự việc phát sinh. Còn đối với kinh doanh nhượng quyền, người mua nhượng quyền chính là chủ đơn vị hoạt động và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động cũng như các phát sinh trong quá trình kinh doanh. Người bán nhượng quyền chỉ lấy về một phần lợi ích nên sẽ không có hoặc rất ít trách nhiệm phải xử lý các việc phát sinh hoặc các rủi ro vận hành.
Đối với mô hình chuỗi, doanh nghiệp/ người chủ chuỗi sẽ tự phải đầu tư mở rộng chuỗi và đây là một điều cản trở cho tốc độ tăng trưởng của chuỗi, đặc biệt là các chuỗi mới mở có ít khả năng có thể vay được tiền hoặc huy động được vốn.
Với nhượng quyền, người bán nhượng quyền không cần bỏ ra bất cứ chi phí nào khi phát sinh đơn vị kinh doanh nhượng quyền mới (Franchisee, gọi tắt là Zee). Ngược lại, mỗi khi phát sinh Zee, người bán nhượng quyền còn thu được dòng tiền mới.
Do đó có thể thấy, về mặt đầu tư và dòng tiền, giai đoạn đầu là giai đoạn khá khó khăn cho việc kinh doanh chuỗi nhưng nếu vận hành tốt thì về lâu dài doanh thu và lợi nhuận của đơn vị kinh doanh chuỗi sẽ lớn. Còn với nhượng quyền, chỉ cần có Zee thì dòng tiền của họ sẽ lập tức tăng trưởng và không bị âm dòng tiền trong những năm đầu.
Ngoài ra, thì về khía cạnh kinh doanh thì kinh doanh chuỗi và nhượng quyền có 1 điểm khác nhau cơ bản sau:
- Kinh doanh chuỗi là bán sản phẩm dịch vụ theo một quy mô lớn hơn nhưng vẫn bán sản phẩm dịch vụ ban đầu. (VD: chuỗi bán phở thì vẫn bán phở nhưng quy mô lớn hơn lúc ban đầu)
- Còn khi doanh nghiệp chuyển qua làm Zor thì SPDV chính bây giờ chính là cách tư vấn, đào tạo cho các Zee chứ không còn là bán sản phẩm ban đầu nữa. (VD: nhượng quyền bán cơm tấm thì công ty bán nhượng quyền sẽ đi tìm cách bán gói nhượng quyền cơm tấm.
Rủi ro và vận hành
Rủi ro của đơn vị bán nhượng quyền sẽ thấp hơn đơn vị làm chuỗi vì:
Số vốn đầu tư ít hơn nên áp lực về tài chính, kiểm soát dòng tiền ít hơn
Chủ yếu quản lý rủi ro về vận hành nguyên vật liệu (kho bãi..) nếu Zor cung cấp nguyên vật liệu cho Zee.
Ít rủi ro vận hành vì vận hành là thuộc phạm vi của Zee
Có rủi ro về danh tiếng nhưng thấp hơn.
Không có khả năng quản trị vận hành giỏi vẫn có thể xây kinh doanh nhượng quyền nhưng nếu không quản trị vận hành giỏi thì không điều hành được chuỗi và phát sinh nhiều rủi ro.
Đơn vị bán nhượng quyền chỉ cần tập trung tối ưu hoạt động cho Zee trong khi đơn vị kinh doanh chuỗi thì vừa phải tối ưu hoạt động cho chuỗi vừa phải thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Năng lực quản trị
Kinh doanh chuỗi sẽ phù hợp với những doanh nghiệp/ người chủ có năng lực xây dựng đội ngũ và quản trị tốt. Hãy hình dung việc một doanh nghiệp phải quản lý 300 - 400 chi nhánh với một số lượng nhân sự hội sở ít nhất có thể. Đây là một năng lực mà không phải ai/ doanh nghiệp nào cũng có. Nếu người kinh doanh có khả năng này và tham vọng lớn về mức độ sinh lời, chuỗi là mô hình phù hợp.
Ngược lại, với năng lực quản trị không mạnh, việc lựa chọn đi theo hướng nhượng quyền sẽ phù hợp hơn với các doanh nghiệp/ người kinh doanh có năng lực quản trị không mạnh.