Các “ông lớn” bán lẻ gia tăng hiện diện
Chẳng hạn, AEON đã khai trương “siêu thị linh hoạt” tại Bình Dương. Chưa kể cũng trong năm 2024 này, AEON Mall Huế sẽ được đưa vào hoạt động với gần 138.000 m2 diện tích sàn… Đại diện Tập đoàn AEON cho biết, dự kiến doanh nghiệp sẽ tuyển dụng thêm hơn 1.000 nhân sự chuẩn bị cho kế hoạch khai trương các trung tâm và siêu thị mới trong năm 2024 tại Huế và Hà Nội. Trong chiến lược dài hạn, lãnh đạo AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2, chỉ sau Nhật Bản, để đẩy mạnh đầu tư.
Tập đoàn Lotte mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam |
Một tập đoàn bán lẻ khác của Nhật là Uniqlo đã khai trương cửa hàng thứ 10 tại Hà Nội và cũng là cửa hàng thứ 22 của thương hiệu này ở Việt Nam. Vào thị trường Việt Nam được 4 năm, Uniqlo mở rộng đều qua các năm và hiện có mặt tại 4 tỉnh thành, bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và một cửa hàng trực tuyến.
Về phía doanh nghiệp trong nước, ngay những ngày đầu năm mới, WinCommerce đã tăng tốc cải tạo và mở mới tổng cộng 120 siêu thị, cửa hàng (nâng cấp 102 cửa hàng, mở mới 18 cửa hàng) với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng và phục vụ khách hàng dịp mua sắm cuối năm. Trong đó nổi trội là sự kiện ra mắt 3 siêu thị WinMart Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội), WinMart Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), WinMart Xuân Diệu (Hồ Tây, Hà Nội) tại những khu vực đắc địa, sầm uất tại Hà Nội.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cho biết, công ty sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động giai đoạn 2 của Trung tâm thương mại Thiso Mall Trường Chinh - Phan Huy Ích (TP. Hồ Chí Minh, xây dựng và hoàn thiện để đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại Thiso Mall Tây Hồ Tây (Hà Nội), mở rộng mảng bán lẻ tại Biên Hòa (Đồng Nai) và sau đó là Trung tâm thương mại thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh trong đầu năm 2025.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho rằng, sự gia tăng trong sức tiêu dùng nội địa được xem là một trong các yếu tố thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của các thương hiệu quốc tế đối với thị trường này. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác tạo nên sức hút của thị trường bán lẻ tại Việt Nam là so với các quốc gia lân cận như Singapore, Thái Lan, Indonesia, số lượng các thương hiệu quốc tế có mặt tại Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế. Điều này tạo ra một cơ hội lớn cho các thương hiệu muốn mở rộng thị trường, đặc biệt khi họ tìm kiếm những bước tiến đầu tiên tại đây.
Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, khu vực dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2024. Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như: ngành vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch… Dự báo năm 2024, thị trường bán lẻ nội địa còn nhiều dư địa cho các nhà bán lẻ phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70%.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam kiêm Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) chia sẻ, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu chưa phục hồi hoàn toàn, thị trường nội địa được dự báo sẽ tiếp tục là bệ đỡ cho doanh nghiệp ngành bán lẻ, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Các nhà quản trị, điều hành kinh tế và cả doanh nghiệp đã có những bài học sâu sắc từ tình hình sau dịch Covid-19 và những bài học cụ thể trong năm 2023 để vận dụng vào năm 2024. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng nội địa, cần thiết phải có những giải pháp căn cơ, dài hơi.
Từ đầu năm 2024 đến nay, quan sát chung trên thị trường thì thấy có rất nhiều giải pháp từ quản trị nhà nước, quản trị kinh tế, quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ nội địa nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, việc thúc đẩy tiêu dùng đang gặp phải những rào cản. Trong đó, rào cản lớn từ công ăn việc làm, thu nhập của người lao động giảm đã tác động trực tiếp đến thị trường bán lẻ hiện nay.
Bên cạnh đó, về chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT), theo các doanh nghiệp bán lẻ thì chính sách này chỉ mới hỗ trợ phía cầu, chưa tác động và hỗ trợ trực tiếp đến nhà sản xuất, nhà phân phối nhằm giúp họ tồn tại và phát triển. Nhà nước cũng có thể có chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để tạo sự sôi động cho thị trường.
Mặt khác, những chính sách cần có sự hoạch định, áp dụng sớm hơn và mang tính liên tục, dài hơi hơn để các doanh nghiệp có thể tồn tại. Ngoài ra, cần quy hoạch tổng thể lại cung - cầu nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi của các doanh nghiệp, ông Đức cho biết thêm.
A member of FNB DIRECTOR - HoReCa Management
83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.,
Hochiminh City, Vietnam
Hotline: +84 903 132 508
Email: hello@fnbdirector.com
Viet Franchise @Copyright 2023