logo_vf2.
horeca_business_school.

Doanh nghiệp bán lẻ chờ “thoát đáy” lợi nhuận

Các doanh nghiệp bán lẻ, bán sỉ dùng nhiều chiêu kích cầu tiêu dùng với kỳ vọng sẽ “thoát đáy” lợi nhuận cuối năm nay.

Nhiều chiêu marketing kích cầu

Các doanh nghiệp bán lẻ, bán sỉ đã trải qua những tháng đầu năm ảm đạm khi phải đối mặt với kết quả doanh thu, lợi nhuận thấp nhất trong vòng nhiều năm.

“Trong 8 năm kinh doanh nội thất, tôi chưa bao giờ thấy sức cầu kém như bây giờ, khó hơn cả thời điểm sau đại dịch Covid-19”, ông Nguyễn Quốc Vinh, CEO của NeatClean, đối tác nhượng quyền của thương hiệu nội thất Bắc Âu JYSK tại Việt Nam lo lắng.

Từ sau Tết Nguyên đán tới nay, tình hình bán hàng của JYSK không tốt, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Vinh, thay vì mua đồ ngẫu hứng như trước đây, khách hàng bây giờ tập trung mua những gì thiết yếu. Tại các cửa hàng JYSK, tuy khách không vắng, nhưng sức mua giảm nhiều. Người có tiền cũng không dám tiêu vì chưa biết tình hình khó khăn này sẽ kéo dài bao lâu.

“Tháng nào chúng tôi cũng có khuyến mại, nhưng khi cầu đã xuống, ai cũng kích cầu nên không có hiệu quả. Tôi cũng chưa biết tính thế nào, chỉ đành đợi đã”, ông Vinh nói.

Biên lợi nhuận ròng vốn rất mỏng của các doanh nghiệp bán lẻ, bán sỉ hàng công nghệ đang tụt dốc mạnh sau 2 quý đầu năm 2023 trong bối cảnh chi tiêu cho các mặt hàng này siết chặt. Nhu cầu cho các sản phẩm công nghệ thông tin (ICT) tiếp tục suy yếu và thấp hơn dự báo, khiến các đơn vị bán lẻ ngành hàng công nghệ phải đề ra chính sách giảm giá bán, khuyến mãi, trợ giá để kích cầu.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Công ty cho biết, giá iPhone tại Việt Nam đã giảm sâu và thấp nhất trên thế giới. Hiện các nhà bán lẻ hạ giá bán dòng điện thoại này thì phía FPT Shop cũng phải hạ theo để bán được hàng.

“Tuy nhiên, nếu cứ mãi đua nhau hạ giá thì lâu dài chỉ kéo nhau xuống. Do đó, về dài hạn, chúng tôi sẽ xem xét chuyển dịch cơ cấu sản phẩm (ví dụ mở rộng bán hàng gia dụng), trình bày lại bố cục cửa hàng để thúc đẩy tăng trưởng”, bà Điệp chia sẻ.

Động thái giảm giá để kích cầu cũng diễn ra tại MWG. Lãnh đạo MWG thông tin, sắp tới sẽ khuyến mại mạnh để thu hẹp khe hở giữa giá ngành hàng Apple của công ty với đối thủ.

Với Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, sẽ cân nhắc việc đóng/mở cửa hàng đi theo chiến lược mới. Chẳng hạn, trường hợp một cửa hàng trong hệ thống cần công ty phải bù lỗ sẽ được xem xét. Nếu cửa hàng gặp vấn đề ngắn hạn, có thể có lời trở lại trong tương lai, thì công ty sẽ duy trì, nếu không sẽ rời sang địa điểm khác.

Nhà bán lẻ này cho hay, nhân cơ hội này, công ty sẽ tiến hành củng cố lại về mặt chi phí, vận hành, con người.

Trong khi đó, Digiworld đang có động thái bổ sung thêm nhiều thương hiệu vào danh mục sản phẩm, giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận ròng.

Từ quý I/2023, Công ty bắt đầu phân phối các loại bia của ABInbev (hãng bia nổi tiếng của Bỉ) với loạt thương hiệu như Budweiser, Corona, Hoegaarden… Gần đây, Công ty ký kết thỏa thuận hợp tác với Lotte Chilsung để phân phối đồ uống của Hàn Quốc, ký kết với nhãn hàng thiết bị gia dụng Westinghouse đến từ Mỹ.

Thực tế, từ thời điểm trước Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã “dồn lực” kích cầu tiêu dùng, ngay cả với những sản phẩm thiết yếu nhất.

Theo đại diện siêu thị MM Mega Market, doanh nghiệp sẽ duy trì hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu giảm giá 10 - 50%, sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để ổn định giá cả hàng hóa, duy trì sức mua. MM Mega Market còn chú trọng hỗ trợ đầu ra cho nông sản Việt và tăng sức mua bằng hoạt động khuyến mãi, giảm giá luân phiên đa dạng mặt hàng.

 

Trong khi đó, hệ thống Big C và GO! phối hợp với nhà phân phối thực hiện chương trình “Giá luôn rẻ”, mang lại cho khách hàng trên 1.000 sản phẩm rẻ hơn từ nay đến cuối năm. Hệ thống siêu thị Co.opnart, Co.opXtra tham gia bình ổn giá ở 11 nhóm hàng với cam kết giảm giá 5 - 10% so với giá thị trường. Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA) cũng tham gia chương trình kích cầu với các mặt hàng như thịt heo, gà, trứng gia cầm… có mức giảm giá 20 - 25%.

Còn AEON nỗ lực giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, tăng cường chương trình “Giá tốt mỗi ngày”.

Kỳ vọng thoát đáy cuối năm

Các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, lúc này, giải pháp quan trọng là cắt giảm chi phí trong chuỗi cung ứng, thực hiện nhiều chương trình giảm giá để cải thiện sức mua.

Trong báo cáo triển vọng nhóm bán lẻ SSI Research công bố đã nhấn mạnh, tiêu dùng không thiết yếu dự kiến suy giảm ít nhất đến hết quý III/2023 do những khó khăn trong kinh tế vĩ mô.

Các công ty tài chính tiêu dùng đã bắt đầu giải ngân trở lại từ tháng 5. Việc thắt chặt tín dụng trong quý I/2023 có thể đến từ nguồn vốn hạn hẹp các công ty tài chính tiêu dùng, tỷ lệ vỡ nợ tăng do thất nghiệp gia tăng và môi trường lãi suất cao khiến người tiêu dùng hạn chế vay mới.

Hiện khó khăn về nguồn vốn tại FE Credit và HD Saison đã được giải quyết. Đã có những dấu hiệu phục hồi sớm trong hoạt động giải ngân cho vay tiêu dùng tại các cửa hàng của Thế giới Di động. Tuy nhiên, quá trình phục hồi diễn ra khá chậm do các ngân hàng vẫn ngại cho vay để giảm thiểu nợ xấu trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Trong khi đó, FE Credit chủ yếu cung cấp khoản vay cho những người lao động có thu nhập thấp và những người này đã bị sa thải trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nên không thể trả nợ.

Theo các chuyên gia phân tích của SSI Research, Thế giới Di động là công ty sẽ được hưởng lợi đáng kể từ sự hồi phục trong hoạt động giải ngân của các công ty tài chính tiêu dùng. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, người phụ trách hai chuỗi Thế giới Di động và Điện máy xanh dự báo, trong quý III và quý IV sẽ khả quan hơn nửa đầu năm, thị trường khôi phục, nhu cầu mua sắm tăng lên.

SSI Research cho rằng, lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp bán lẻ có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023. Kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tích cực trở lại từ quý IV/2023.

Sự phục hồi lợi nhuận có thể được thúc đẩy nhờ đẩy mạnh giải ngân các khoản vay tiêu dùng, điều kiện kinh tế vĩ mô cải thiện, các công ty có tình hình tài chính vững mạnh tăng thêm thị phần và tỷ suất lợi nhuận cải thiện nhờ mức tồn kho thấp hơn sau đợt cạnh tranh gay gắt về giá trong quý II.

Mặc dù lợi nhuận của các công ty vẫn có thể giảm so với cùng kỳ trong quý III/2023, nhưng nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào sự phục hồi trong năm 2024 và xa hơn nữa. Triển vọng dài hạn của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại và kế hoạch huy động vốn của các công ty, đây có thể là chỉ báo cho triển vọng tăng trưởng lợi nhuận.

Tỷ lệ thâm nhập vào thương mại hiện đại của ngành điện thoại di động và điện máy hiện ở mức cao, chiếm khoảng 70-75% tổng thị trường. Trong khi đó, tỷ lệ thâm nhập vào thương mại hiện đại đối với mảng bách hóa và dược phẩm vẫn còn rất nhỏ, ở mức 14% và 5% tổng thị trường.

Nguồn: Tác giả Vũ Anh / baodautu.vn

CONTACT US

VIET FRANCHISE

A member of FNB DIRECTOR - HoReCa Management

 

83 Nguyen Van Troi Apartment, Phu Nhuan Dist.,
Hochiminh City, Vietnam

 

Hotline: +84 903 132 508

Email: hello@fnbdirector.com

 
FOLLOW US

Viet Franchise @Copyright 2023